Reviewed by nát viết nhảm
Sách đã xuất bản sang tiếng Việt, được dịch bởi Hoàng Long (NXB: Hội Nhà Văn)
Lời mở đầu:
Nát đã quay lại với chuyên mục review sách. Mình đọc cuốn này cũng cách đây cả tháng nhưng vì những cảm xúc của truyện cứ bám dai dẳng mấy tuần liền nên bây giờ mình mới viết nốt cái review dở dang này. Thất lạc cõi người - No Longer Human của Osamu Dazai đã được xuất bản sang tiếng Việt do dịch giả Hoàng Long và xuất bản bởi Hội Văn Học. Thất lạc cõi người được xem như một kiệt tác văn học tại Nhật Bản, được xuất bản vào 1948 ngay sau chiến tranh Thế Giới thứ 2. Đây cũng là cuốn sách được hoàn thành cuối cùng của Osamu Dazai như một lần cuối bộc bạch về cuộc đời đầy những trắc trở, cùng lỗi lầm của chính ông.
Tác giả Osamu Dazai
Để nói về Osamu Dazai (1909 – 1948), nếu bạn chỉ lên Wikipedia và đọc tiểu sử về ông, chắc chắn bạn sẽ tự hỏi một con người như thế thì viết tiểu thuyết sẽ có gì đáng đọc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình địa chủ giàu có và thần thế, đông anh chị em, nhưng cuộc đời của Osamu Dazai thì không hề bằng phẳng một tí nào. Tự tử tổng cộng 5 lần thì lần thứ 5 mới hoàn toàn thành công, là một con nghiện rượu cùng gái điếm và đặc biệt là một con nghiện thuốc giảm đau sau khi căn bệnh lao hành hạ. Không những thế, Osamu Dazai còn là một người đàn ông rất được phụ nữ "yêu thích", trong cuộc đời có 2 người vợ, và vô số tình nhân và thậm chí còn có con rơi với một người phụ nữ là fan của ông.
Nhưng bên cạnh đó, ông cũng đã chứng kiến người vợ đầu tiên của mình ngoại tình với một người quen, nhìn thấy đứa con đầu của mình mắc bệnh down, phải chứng kiến cảnh lụi tàn của chiến tranh lần hai đã phá hủy không chỉ tiền tài vật chất, mà chính là tâm hồn của những con người tại Nhật Bản như thế nào. Tóm lại, cuộc đời của Osamu Dazai là một tấn bi kịch có thật, và bản thân Osamu Dazai nếu sống trong Industry 4.0 thì chắc bị bóc cho không còn cái nịt mà thắt. Thế nhưng sau một cuộc đời đầy những trầm luân đấy, Osamu Dazai lại để lại những tác phẩm văn học mà khiến cả thế giới phải trầm trồ về những vấn đề không bao giờ cũ, về những cảm xúc chân thật đến trần trụi của mỗi con người. Nhưng với tài năng của Osamu Dazai, chúng lại được viết xuống với một giọng văn rất bình thản, có phần hài hước, có phần 'buồn cười'.
Cảm nhận về Thất lạc cõi
Thất Lạc Cõi Người (No Longer Human) được ông viết và năm 1948, là tác phẩm hoàn thành cuối cùng trước khi ông quyết định rời bỏ thế gian này. Câu chuyện mở đầu bằng câu "Tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn" bởi nhân vật chính Oba Yozo. Oba Yozo chính là hiện thân của Osamu Dazai để ông tự viết về cuộc đời mình. Xin lưu ý, đây là một câu chuyện về sự tự hủy (self deterioration) nên làm ơn đừng đọc rồi dè bỉu những tư tưởng sai lầm trong truyện, vì Osamu Dazai viết ra chả để giải thích, chả để xin lỗi, cũng chẳng để mua lấy sự thương hại của bất kỳ ai.
Cũng như Osamu Dazai, Oba Yozo sinh ra trong một gia đình khá giả có bố là một chính trị gia và có ảnh hưởng trong vùng. Thế nhưng ngay từ nhỏ Oba đã nhận ra mình khác với những anh chị trong nhà, những người sống trong khuôn phép và là những tấm gương trong xã hội này, còn ông thì lại chẳng biết như thế nào gọi là "hạnh phúc" và cũng chẳng thể hiểu nổi "nỗi khổ" của thế gian.
"Từ khi còn nhỏ, đã có rất nhiều lần người ta nói tôi là kẻ hạnh phúc may mắn nhưng tôi thì lúc nào cũng cảm thấy mình đang ở địa ngục vậy. Ngược lại tôi thấy những người bảo tôi là may mắn hạnh phúc còn an lạc hạnh phúc hơn tôi gấp bội lần. Thậm chí tôi còn nghĩ mình phải mang vác mười khối khổ lụy trên vai mà chỉ cần cho người kế bên gánh lấy một khối thôi thì cũng đủ để lấy đi mạng sống của họ rồi."
"Có những nỗi khổ đau thực tế, chẳng hạn như nỗi khổ đau chỉ cần ăn cơm thì giải quyết được. Nhưng cũng có nỗi khổ đau tận cùng của lửa âm tỳ địa ngục thảm khốc đến độ có thể thổi bay đi mười khối khổ lụy của tôi thì tôi thực tình không hiểu. Nếu đã khổ đến mức như thế, tại sao họ lại không tự sát, không phát điên, lại còn hứng thú bàn luận chính trị, không tuyệt vọng mà vẫn còn tiếp tục chiến đấu vì cuộc sống? Như vậy họ có đau khổ thật không?"
Thế nên Oba Yozo ngay từ nhỏ đã có một nỗi sợ hãi và bất an đối với con người và "thế gian" này. Cuối cùng thì ông quyết định diễn vai một tên hề để giấu đi nỗi sợ với những quy tắc, định kiến trong xã hội, với những nỗi thống khổ và hạnh phúc của người khác, bởi vì:
"Đó là hành động tìm kiếm tình yêu cuối cùng của tôi đối với con người. Dù sợ hãi con người đến cùng cực nhưng tôi dường như không thể nào dứt bỏ được con người."
Osamu Dazai cũng đã giải thích rằng, ông không biết phải giải thích về nỗi sợ của con người như thế nào vì từ lâu trong tâm hồn ông đã mất đi lòng tin với con người, vì con người trong xã hội này muốn tồn tại thì vẫn luôn phải làm quen với sự bất tín, lừa gạt lẫn nhau để làm vừa lòng người khác, những điều này được coi như "lịch sự", "phải phép" nhưng với Oba Yozo thì ông lại chả thể học được những điều này, thế nên ông chỉ có thể gặm nhắm nỗi cô đơn, sự thống khổ trong lòng. Ông nhận ra bản thân quá khác biệt so với quy chuẩn của xã hội, ông là kẻ lạc loài giữa nhân gian.
Dần dần vai hề của Oba Yozo càng trở nên điêu luyện hơn, gia đình, bạn bè, xã hội chỉ biết đến Oba Yozo như một tên hề thích làm trò, luôn vui vẻ cợt nhả, nhưng lại khá thông minh và quan trọng là luôn hòa đồng với mọi người. Thế nhưng có ai hiểu rằng Oba Yozo thực ra đang nhốt một con quỷ trong tâm hồn mình, ngày ngày nuốt đi những nỗi cô đơn, nỗi sợ hãi đang giằng xé của Yozo. Cuối cùng đến ngày ông lên đại học, con quỷ đó đã không còn bị đè nén dưới sự giám sát của gia đình Yozo nữa, nên ông đã thực sự xa đà vào rượu chè, thuốc là, gái điếm và nhờ đó ông gặp một người bạn, Horiki, một tên lừa đảo lợi dụng cái danh bạn bè để moi tiền vụ lợi từ Oba Yozo. Horiki là một tay bịp bợm, Oba hiểu được điều đó, nhưng nhờ hắn mà ông càng ngày càng "hòa nhập" với cuộc sống, hoặc ít ra bên cạnh Horiki ông không phải diễn vai một thằng hề vì Horiki đã diễn thay ông, thế nên ông chấp nhận sự giả dối của Horiki. Trong cuộc đời của Oba Yozo có hình bóng của ba người phụ nữ (được xem như chính thức): Tsuneko, Shizuko, và Yoshiko. Tsuneko là người phụ nữ đầu tiên cho Oba biết được cảm giác của sự hạnh phúc, và cũng là người duy nhất giống Oba, những con người không thuộc về 'thế gian' này. Shizuko là người phụ nữ tần tảo, chăm lo cho gia đình, là người có thể gánh vác và tạo ông một 'mái ấm', nhưng Oba cũng quyết định rời bỏ cái hạnh phúc như bao người bình thường đấy, vì ông biết nếu ông ở lại chỉ khiến Shizuko khổ thêm. Cuối cùng là Yoshiko, một cô gái mới lớn ngây thơ, cho Oba cái cảm giác 'trinh trắng' đầu tiên trong đời, nhưng cũng vì sự ngây thơ đấy vô tình hại cả Oba và Shizuko.
Thật sự, nếu bạn đọc truyện bạn sẽ thấy Oba đã rất cố gắng để thử sống như một người bình thường và dung nhập với xã hội này, nhưng thực tế cho thấy ông đều thất bại một cách thảm hại. Và đâu lại vào đấy, ông vẫn dùng rượu bia, thuốc lá, thậm chí morphine như những người bạn trung thành để lẩn tránh đi cái thực tại đau buồn của mình, cái 'thế gian' mà ông hết lần này đến lần khác muốn níu kéo nhưng chẳng bao giờ dung nạp ông. Cuối đời, Oba Yozo sống trong một căn nhà cũ kĩ tại ngoại ô, ngay cả khả năng đau buồn cũng mất đi, ngay cả ch.ế.t cũng chẳng thể. Tác giả kết truyện bằng một câu:
Cho đến bây giờ, trong cái âm tỳ địa ngục gọi là thế giới "con người" mà tôi đã sống, thì đây là điều duy nhất mà tôi nghĩ có vẻ là chân lý. Đó chính là: "Tất cả đều sẽ trôi qua".
Có một chi tiết tại cuối truyện, khi Madam trong quán bar mà trước đây Oba Yozo từng sống được hỏi ông là người thế nào trong trí nhớ bà, bà chỉ nói:
"Yochan mà chúng ta từng biết cực kỳ ngoan hiền và nhạy cảm, ngay cả rượu cũng không biết uống nữa. Không mà dù cho có uống rượu đi nữa thì anh ta vẫn là một người tốt, là một thiên thần".
Thực sự, xuyên suốt câu chuyện Oba Yozo cho dù có thích cái cảm giác "bất hợp pháp", nghiện ngập, gái gú, hay tự hủy chính bản thân, nhưng mình không cảm thấy chán ghét hay thương hại ông. Chỉ đơn giản vì ông khác biệt với "thế gian", ông cô đơn, lạc lõng và cuối cùng đánh mất chính mình.
Sau khi đọc "Thất lạc cõi người" của Osamu Dazai thì mình vẫn còn nhớ cái cảm giác 'không nói nên lời' mà nó để lại. Đối với mình, nó là cảm giác buồn man mác nhưng dai dẳng, như thể nó đang từ từ lắng đọng trong mình vậy.
Đối với những con người như Osamu Dazai hay Oba Yozo mà nói, thời gian hay thậm chí tình yêu đôi lứa chưa bao giờ đủ để chữa lành những mất mát, nỗi thống khổ trong họ. Giống như bài thơ "Time and Eternity" của Emily Dickinson, thời gian chỉ là một phép thử liệu họ có đủ chai lì để đi tiếp trên con đường đơn độc này, hay họ phải tự xoay xở để tìm ra lối thoát của những nỗi khổ đó:
"Họ nói thời gian sẽ xoa dịu tất cả, Nhưng thật ra nó chưa từng xoa dịu bất kỳ thứ gì. Nó chỉ khiến chúng ta chai lì hơn, Như gân vậy, càng già thì càng dai. Thời gian chính là phép thử, Nó không phải là liều thuốc chữa lành, Chẳng phải nó đã tự chứng minh điều đó rồi sao, Nếu không đã chẳng có đau đớn cùng thống khổ."
Có một điều mà mình phải khâm phục Osamu Dazai vô cùng, đó chính là sự mộc mạc, chân thành, xen lẫn hài hước trong cách truyền tải câu truyện. Ông không cố gắng đem đến cho người đọc một kiểu tiếc thương, giằng xé da diết của nỗi buồn, hay có gắng cường điệu bi kịch của Oba Yozo. Khi đọc, bạn như đang nghe Osamu Dazai bình thản kể lại cuộc đời mình như thế nào, nghe ông tâm sự những sai lầm mà mình đã mắc phải. Với lối kể chuyện như thế, bạn như được ngắm nhìn cuộc đời của Oba Yozo bằng thế giới quan của một con người lạc loài giữa xã hội, rồi đắm chìm vào những suy nghĩ, cảm xúc của ông từ lúc nào không hay.
Tài hoa của Osamu Dazai là không có gì bàn cãi nhưng ông cũng phải gánh chịu rất nhiều những thương tổn, và khổ lụy trong cuộc sống, như cái giá phải trả cho tài năng của ông vậy. Thế nên chúng ta mới thấy được những tuyệt tác xuất sắc như thế lại được viết từ một cuộc đời nhơ nhuốc thăng trầm của một con người. Cảm ơn ai đã đọc hết một bài tóm tắt/review còn nhiều thiếu sót của mình, nhưng đảm bảo bạn sẽ không hối hận nếu đọc "Thất lạc cõi người" của Osamu Dazai.
댓글