top of page
02-Porco-Rosso.jpg

​Cảm ơn đã ghé vào nhà mình

​Những chương trước hoặc sau sẽ được mentioned dưới mỗi bài post ở phần Related Posts để navigate, bạn cũng có thể nhấn vào tên truyện trong phần category để mở phần mục lục.

​Nếu bạn thích truyện do mình edit thì like hoặc comment nói nhảm cùng mình nhé.

Review: Cá Voi Cô Đơn - Hàm Yên

Reviewed by Nát Viết Nhảm

Link đọc edit: Wattpad Jiang0162

Image credit is owned by Tofublock

 

Lời giới thiệu

Gần đây mình có đọc một truyện ngôn tình tên là "Cá Voi Cô Đơn" của Hàm Yên. Nếu bạn nào đọc ngôn tình thì mình nghĩ chắc các bạn cũng đã từng nghe về Hàm Yên, còn chưa nghe thì mình khuyên các bạn nên đọc bộ "Mr. Đà Điểu của tôi" vì nó thực sự rất cảm động, ấm áp và có nhiều thông điệp rất nhân văn từ tác giả. Và cụ thể trong "Cá voi cô đơn", Hàm Yên rất khéo léo khi nhắn nhủ những thông điệp về self love trong một câu chuyện tình yêu ấm áp.

 

Giới thiệu tác giả Hàm Yên

Để nói về Hàm Yên, trong giới ngôn tình thì Hàm Yên nổi tiếng nhờ những bộ truyện lấy chủ đề về nam chính có khiếm khuyết. Những tác phẩm của Hàm Yên giống như những ly sâm đắng trong vô vàn những bộ ngôn tình hiện đại sủng ngọt, nam chính thì giàu có nữ chính thì kiều diễm.

Truyện thường được viết về những nhân vật có xuất thân bình thường như chúng ta, họ có thể bị tai nạn hoặc dị tật bẩm sinh, họ có ước mơ và từng mắc rất nhiều sai lầm, họ không hề hoàn mỹ, cuộc sống luôn phải đối mặt với những khó khăn mà ai trong chúng ta đã từng trải qua, chứ họ không giống như những tổng tài bá đạo ho một cái là mọi thứ bày ra trước mặt, hay những cô tiểu thư suốt ngày quần này túi nọ.

Có một thứ mà mình thấy rất lạ khi đọc truyện của Hàm Yên, đây là một trong số rất ít những tác giả có thể đem những thứ mình ghét trong truyện ngôn tình thành một thứ mình thích. Mình thuộc kiểu người rất ghét đọc những bộ truyện ngược và thực tế trong ngôn tình, hay là kiểu truyện thanh xuân vườn trường. Ôi mình ghét chúng kinh khủng, kiểu truyện thì nói là thực tế mà chẳng thực tế xíu nào, giống như các tác giả chỉ cố gắng tạo ra nghịch cảnh cho nhân vật dù chẳng hiểu được những nghịch cảnh đó có ý nghĩa gì hay không, một người gặp hoàn cảnh đó sẽ như thế nào. Hay mấy thể loại thanh xuân vườn trường mà nam chính thì như một vị thần, thầy cô cha mẹ phải nhìn mặt anh mà sống, còn nữ chính thì ôn nhu bla bla bla ... ôi mờ nhạt một màu quá nên tui cũng không nhớ gì để nói.

Nhưng khi mình đọc truyện "Mr Đà Điểu của tôi" của Hàm Yên thì mình như nhớ lại thời mình học cấp một rất hồn nhiên ngây thơ, ra sức thi đua để giành hạng nhất trong lớp mấy năm cấp hai, rồi hơi có chút tâm sinh lý nổi loạn cứng đầu, cùng mấy đứa bạn náo loạn mấy năm cấp ba. Quan trọng là Hàm Yên làm rất tốt trong việc miêu tả tâm lý nhân vật, cách kể chuyện và xử lý những nút thắt trong diễn biến truyện rất hợp. Khi bạn đọc truyện, nó như một hành trình để tìm hiểu làm quen với nhân vật, rồi đồng cảm với những khó khăn và hoàn cảnh của nhân vật, và cuối cùng bạn sẽ cảm thấy mỹ mãn với những kết quả do những nhân vật cố gắng làm được. Thế nên, những nhân vật của Hàm Yên rất thật, rất đời thường như những gì mình đã từng thấy trong xã hội, và đây mới là những thứ khiến mình hoài niệm, khiến mình đồng cảm (chứ không phải bố thí sự thương hại một thứ thường hay bị nhầm lẫn trong các tiểu thuyết ngôn tình), khiến mình cảm động vì những tình cảm, ước mơ rất chân thành của nhân vật.

 

Tóm tắt

Tóm tắt một chút về "Cá voi cô đơn", truyện kể về Lạc Tĩnh Ngữ một người câm điếc bẩm sinh, anh là một nghệ nhân làm hoa vải. Một người luôn khát vọng được hòa nhập với cuộc sống này, nhưng vì sự tự ti quá lớn khi mình là người câm điếc, còn không được thông minh học hành đàng hoàng, nên trong suốt 26 năm Lạc Tĩnh Ngư chưa bao giờ học được cách yêu bản thân mình, chưa bao giờ cảm thấy quý trọng giá trị của bản thân. Trong một hôm tình cờ, nữ chính là Chiêm Hỉ, khi cần đặt hoa vải để đón tiếp phái đoàn Nhật trong công ty, thì cô vô tình thấy một video có bàn tay của Lạc Tĩnh Ngư và cô nhắn tin để hỏi xem anh có thể giảm giá cho cô không, vì người đại diện của anh báo giá quá mắc. Chiêm Hỉ là một cô gái 23 tuổi (bằng tuổi mình hiện tại hihi :)) mới ra trường với hai văn bằng, đối với người ngoài, họ thấy cô là một cô gái xinh đẹp, nhu mì đoan trang, luôn sống có ý tứ. Nhưng Chiêm Hỉ thì sao? Cuộc sống của cô trước khi quen Lạc Tĩnh Ngư, thì cô chỉ sống như một con rối do mẹ cô điều khiển, một công cụ để mẹ cô thực hiện những hoài bão mà bà chưa làm được. Dần dần Chiêm Hỉ bị xem như một cô gái nhàm chán vì cô chẳng dám làm điều gì trái với mong muốn của mẹ cô. Và sau đó là một hành trình rất dài từ khi 2 người gặp nhau, sợ hãi đến bên nhau, và học được cách trở nên dũng cảm để yêu bản thân mình và yêu người mình yêu.

 

Cảm nhận về Cá voi cô đơn

Để nói về những điều mình ấn tượng với truyện, thì chắc chắn đó là self-love, thông điệp mà tác giả đã nhấn mạnh trong truyện này.

Self-love hay còn gọi là tự yêu bản thân. Mình nghĩ từ này trong những năm gần đây được nhắc đến rất nhiều. Chắc có bạn sẽ tự hỏi tại sao truyện ngôn tình mà lại đề cao self love thì mình chỉ trích một câu của một drag queen rất nổi tiếng, RuPaul:

"If you can't love yourself, how the hell you gonna love somebody else?"

Đúng vậy, Hàm Yên rất xuất sắc khi cho người đọc thấy điều này qua từng giai đoạn từ khi Lạc Tĩnh Ngữ và Chiêm Hỉ chat với nhau trên mạng, rồi gặp nhau, rồi yêu nhau, rồi đến khi kết hôn và có baby. Từ khi bắt đầu thích Chiêm Hỉ, Lạc Tĩnh Ngữ đã chẳng dám gặp mặt cô một lần hay tự tin theo đuổi cô vì sợ rằng Chiêm Hỉ sẽ chê anh là một kẻ câm điếc mà rời xa anh, mà anh lại là kiểu cả dòng cả họ câm điếc bẩm sinh. Thậm chí những cô gái câm điếc khác còn chê anh thì một cô gái bình thường sẽ cảm thấy thế nào. Còn Chiêm Hỉ thì cũng chẳng tốt hơn Lạc Tĩnh Ngữ. Cô luôn sợ mẹ, sợ anh trai cô, luôn sợ phải phá vỡ cái vòng an toàn nhàm chán này. Cô cũng không dám yêu Lạc Tĩnh Ngữ vì cô biết mình sẽ không mang nổi gánh nặng và sự chỉ trích của gia đình, của xã hội. Thế nên cô và anh không dám đến với nhau vì họ nghĩ mình luôn là những người tự ti với bản thân và là kẻ hèn nhát trong xã hội. Cho đến khi Chiêm Hỉ thực sự nhận ra được hạnh phúc là do mình tạo ra, nếu bản thân muốn có một cuộc sống rực rỡ thì chính cô phải là người tự tô màu sắc cho bản thân mình. Chứ gia đình, xã hội, bạn trai, hay chồng của mình, họ có thể chê có thể khen nhưng họ sẽ chẳng bao giờ chịu trách nhiệm cho những sai lầm vấp ngã hay hạnh phúc của cô. Bên cạnh đó, Lạc Tĩnh Ngư một người tuy câm điếc, hoàn toàn khác với hình mẫu ban đầu của cô - một người đàn ông thú vị, nói chuyện duyên dáng, thì lại đem đến cho cô sự tôn trọng, sự tự do, được làm những điều mình thích, được nói những thứ mình ghét, được làm chính mình. Thế nên Chiêm Hỉ về sau đã theo đuổi Lạc Tĩnh Ngữ, nộp đơn thôi việc thoát khỏi vòng kiểm soát của mẹ cô, bỏ thi công chức, thứ mẹ cô ép cô phải thi vì phụ nữ làm công chức thì sẽ dễ lấy được chồng có điều kiện tốt.

Còn Lạc Tĩnh Ngữ thì không dễ để yêu bản thân mình như Chiêm Hỉ vì sự tự ti đã theo Lạc Tĩnh Ngữ hơn 26 năm trời, đâu thể dễ bỏ như vậy. Lạc Tĩnh Ngữ luôn khao khát mình được một lần nghe giọng của Chiêm Hỉ, anh ghen tị với cháu mình vì nó được sinh ra trong hoàn cảnh tốt hơn nên được ghép ốc tai điện tử còn anh thì đã mất cơ hội đó. Anh không dám phản kháng dù chỉ một chút khi bị đồng nghiệp Phương Húc xem thường, xúc phạm anh do anh là người câm điếc, vì chính bản thân anh cũng tin những lời xúc phạm kia không sai. Anh ủy khuất, anh bị lừa đảo, anh bị họ phỉ báng thì cũng một mình chịu đựng. Nhưng Lạc Tĩnh Ngữ rất may mắn vì anh có Chiêm Hỉ bầu bạn, chia sẻ, tôn trọng anh, cô khiến anh tự tin hơn, biết trân trọng giá trị của bản thân, biết rằng muốn để người khác không kì thị thì anh phải không kì thị chính mình trước.

Trong truyện bạn cũng sẽ thấy những nhân vật khác, như Tần Phỉ và Chiêm Kiệt. Chiêm Kiệt là anh trai của Chiêm Hỉ, Tần Phỉ là vợ của anh. Hai người thuở còn hai mười mấy thì cũng đã mặn nồng, yêu sống yêu chết phải đến được với nhau. Rồi thì sao, tháng năm, gánh nặng kinh tế, bộn bề công việc đã bào mòn cái tình yêu nồng nhiệt của họ. Họ nhận ra cái người mà họ đã tin tưởng để tranh đấu, giành cả thanh xuân đó, thật ra cũng không tốt như mình tưởng tượng.

Để dẫn đến việc ly dị, sự chì chiết của mẹ Chiêm Kiệt là một phần lý do, nhưng chủ yếu vẫn là do thái độ của Chiêm Kiệt. Bạn chắc cũng đã thấy rất nhiều người đàn ông khi là trụ cột trong gia đình, thì sẽ trịch thượng tự cho mình có rất nhiều cái "quyền". Quyền được lười biếng, quyền vợ phải nghe mình, quyền không cần chăm sóc con, quyền không cần làm việc nhà, quyền không cần quan tâm đến những chuyện của phụ nữ. Chiêm Kiệt chính là kiểu đàn ông như thế, khi mẹ anh xem thường, chỉ trích Tần Phỉ thì mình chỉ né ra để tự vợ với mẹ cãi nhau rồi từ từ tối về nói vài câu cho qua chuyện. Chiêm Kiệt và Trì Quý Lan - mẹ của Chiêm Kiệt và Chiêm Hỉ, là những người quá đề cao bản thân, không biết mình là ai trong xã hội này, thích tự cho mình rất nhiều cái quyền vì họ nghĩ mình tốt đẹp hơn người khác.

Đây phải chăng là tác giả đang muốn đem 2 hình ảnh của những người không tự tin để yêu bản thân, và những người lại quá tự tin đề cao bản thân? Thế nên học yêu bản thân bạn không phải là học trở nên kiêu căng, vị kỉ tính toán thiệt hơn cho bản thân, hay trịch thượng để xem thường người khác, mà đó là học cách tin tưởng bản thân, học cách tôn trọng mình và người khác, học cách yêu thương và tha thứ.

Và chắc chắn truyện của Hàm Yên thì bạn sẽ thấy được những góc nhìn rất chân thật và gần gũi của những người có khiếm khuyết. Có một thứ mình nhận ra khi đọc truyện này, tại sao người có khiếm khuyết lại bị người khác kì thị trong khi họ có thể tự chăm sóc mình, tự mưu sinh nuôi sống mình, cố gắng gấp 2-3 lần người bình thường để làm những điều mà người lành lặn có thể làm được hoặc thậm chí là hơn. Thế nên thay vì thương hại hay kì thị, thì hãy trở nên lịch sự, đối xử với tất cả mọi người với sự tôn trọng, và tử tế. Đúng là chúng ta chẳng phải thần thánh gì, ai cũng có những thứ mình ghét, lòng tốt chưa bao giờ là trách nhiệm mà bạn phải làm, nhưng con người khác động vật vì họ có nhận thức và lòng trắc ẩn. Sự kì thị, phân biệt giai cấp, giới tính, chủng tộc, tôn giáo,... Những thứ đó đã tồn tại mấy ngàn năm nay, dù ai cũng biết nó không nên tồn tại nhưng chúng vẫn hiện hữu đến tận bây giờ thì đó chẳng phải thứ sẽ được xóa bỏ ngày một ngày hai, nhưng đôi khi con người chỉ cần một hành động quan tâm nhỏ, một câu hỏi thăm bạn ổn không, một sự tôn trọng và một sự tử tế thôi cũng khiến người khác vui vẻ cả ngày.

Mình khi đọc truyện này thật ra ban đầu có rất nhiều thứ khiến mình không hiểu nổi cách hành xử và suy nghĩ của các nhân vật. Một người cha nhu nhược, luôn giao mọi thứ cho vợ chăm sóc như Chiêm Cường. Một người mẹ luôn thích áp đặt con cái theo ý mình, xem con mình là công cụ giúp mình đạt được những ước mơ mà mình đã bỏ lỡ như Trì Quý Lan. Một người đàn ông thiếu trách nhiệm nhưng luôn cho rằng mình thượng đẳng hơn người khác như Chiêm Kiệt. Một người muốn tự do nhưng chưa từng bao giờ dám đối mặt với những khó khăn và hệ lụy của tự do như Chiêm Hỉ. Một người cho phép người khác xem thường mình vì chính mình cũng chẳng trân trọng những giá trị của bản thân như Lạc Tĩnh Ngữ. Nhưng càng đọc mình càng hiểu được đây là đại diện cho những con người trong chúng ta trong một xã hội hiện đại càng ngày càng phát triển. Có những người luôn vội vã muốn tìm cái "tôi" nhưng lại sợ phải đối mặt với những khó khăn và những hậu quả, có người muốn tìm một tình yêu chân thành nhưng vẫn phải phù hợp với hoàn cảnh, có người muốn chứng tỏ cho xã hội này mình là ai nhưng lại chưa thực sự hiểu mình là ai và mình cần gì.

Nói chung cảm nhận sau khi đọc truyện này, mình cảm thấy như được "tĩnh" để nhớ lại những ước mơ mình từng có và những gì mình đã thực hiện được. Self-love và sự tử tế là hai thứ được nhắc đến rất nhiều trong truyện, vì chúng cần phải đi cùng nhau. Nếu bạn yêu bản thân nhưng chỉ nghĩ đến bản thân bạn thì bạn dần sẽ trở nên hợm hĩnh và ích kỉ. Còn bạn sống tử tế nhưng không quý trọng bản thân thì bạn mãi mãi sẽ sống trong sự mặc cảm chẳng đủ dũng cảm để yêu thương ai.

Melbourne, 30/07/2021.

Nát Viết Nhảm

626 views0 comments

Comments


bottom of page