top of page
02-Porco-Rosso.jpg

​Cảm ơn đã ghé vào nhà mình

​Những chương trước hoặc sau sẽ được mentioned dưới mỗi bài post ở phần Related Posts để navigate, bạn cũng có thể nhấn vào tên truyện trong phần category để mở phần mục lục.

​Nếu bạn thích truyện do mình edit thì like hoặc comment nói nhảm cùng mình nhé.

Review: Amrita - Banana Yoshimoto

Reviewed by Nát Viết Nhảm

Sách đã xuất bản sang tiếng Việt

 

Lời giới thiệu

Amrita là một từ trong tiếng Phạn Sanskrit có nghĩa là Immortality, sự bất tử, sự vĩnh hằng, và trong quyển tiểu thuyết này của Banana Yoshimoto, Amrita là tên của một nước thánh được thần linh uống, mà người ta còn gọi là “Cam lộ”, nghĩa là:

“... mỗi ngày sống trên đời cũng giống như từng giọt nước ta uống...”

Nếu bạn đọc những review tại Goodreads, Amrita không phải một tiểu thuyết được nhiều người đánh giả tốt của Banana Yoshimoto, vì thực sự nhịp độ và bố cục của câu chuyện có phần dàn trải, rời rạc, đôi khi là chi tiết đến mức khiến người khác phát nản muốn ngừng giữa chừng. Nhưng mình không hiểu vì một lý do nào đó mình lại bị cuốn hút vào câu chuyện cuộc đời của nhân vật chính Sakumi trên hành trình tìm ký ức và một phần nào đó đã thất lạc của cô, cả những câu chuyện có phần kì bí, huyền huyễn của cậu em trai Yoshio và những người bạn với những hoàn cảnh khác nhau của Sakumi. Mình nghĩ Amrita là một câu chuyện không dành cho những người hấp tấp, không dành cho những ai tìm kiếm một câu chuyện có những nút thắt mở cao trào, nhưng Amrita sẽ cực kỳ hợp cho những người đang tìm kiếm một thứ xúc cảm nhẹ nhàng, man mác buồn giữa cuộc sống đô thị tấp nập, một sự tổn thương khi mất đi những người quan trọng trong cuộc sống, cùng những câu chuyện nửa ảo nửa thật nhưng lại mang một ánh hào quang của ấm áp, của thấu cảm, và cả bóng tối của những nỗi cô đơn cùng thống khổ.

Sau đây là những cảm nghĩ mình lưu lại sau khi đọc Amrita tổng cộng 2 lần, cảm nhận về những trạng thái, những thông điệp, những cảm xúc mà tác giả Banana Yoshimoto đã gởi gắm vào Amrita.

 

Tác giả Banana Yoshimoto

Banana Yoshimotoばなな よしもと (1964, Tokyo), tên thật là Mahoka Yoshimoto, tốt nghiệp ngành Văn học tại đại học Nihon, là con gái của nhà thơ, nhà triết học Takaaki Yoshimoto, và có một người chị là một mangaka nổi tiếng tại Nhật. Lớn lên trong một gia đình khá phóng khoáng và được tiếp xúc với văn học nghệ thuật ngay từ nhỏ, phần nào đó bạn có thể thấy được một sự tự tin, độc lập, mạnh mẽ nhưng lại rất đa sầu đa cảm từ chính những tác phầm của Yoshimoto.

Lý do bà lấy tên là Banana vì đối với bà cái tên đó thật “dễ thương” và “lưỡng tính một cách có mục đích” (hoa chuối là hoa lưỡng tính, có nghĩa là hoa tự thụ phấn, hoa chuối điển hình có hoa đực ở đầu và hoa cái mọc cao hơn hoa đực)

Năm 1988, Yoshimoto xuất bản truyện ngắn đầu tiên của mình “Kitchen” (Căn bếp), không chỉ được rất nhiều đọc giả trên toàn thế giới công nhận, nhưng ngay cả giới chuyên môn cũng phải ca ngợi tài năng của Yoshimoto trong cách bà kể chuyện, miêu tả tâm lý nhân vật. Từ đó, người ta nói những người thích đọc truyện của Banana Yoshimoto là "Bananamania" (hội chứng/ hiện tượng Banana). Bạn nào từng đọc truyện của Banana Yoshimoto thì sẽ hiểu tại sao, càng đọc bạn càng bị cuốn hút vào cái thế giới tràn đầy những xúc cảm vừa giản đơn vừa tinh tế, cùng những nhân vật điển hình cho những thanh niên mang trên mình những tổn thương khi mất khi một thứ gì đó vô cùng quan trọng, đang lạc lõng cô đơn, cố gắng sải bước tiến về phía trước trong một cuộc sống hiện đại xô bồ nhộn nhịp, đôi khi còn thiếu lòng trắc ẩn.

 

Tóm tắt

Amrita được kể lại bởi Wakabayashi Sakumi, một cô gái hết đỗi bình thường, nghỉ việc do cãi nhau với sếp và đang hiện tại đang làm tại quán bar. Bố cô đã mất, mẹ cô tái giá cùng một người đàn ông khác và sinh ra người em trai Yoshio thua cô rất nhiều tuổi, nhưng mấy năm trước mẹ cô cũng ly dị với người đàn ông kia. Ngoài ra cô còn một người em gái, Mayu, là một nữ minh tinh hết thời, bên ngoài cô khoác lên một vẻ đẹp ngây thơ kiều diễm của thiên sứ, nhưng thật ra cô đã bị căn bệnh trầm cảm nhiều năm nên phải dùng thuốc và rượu để chống chọi nhưng cuối cùng cô ấy cũng tự tử sau bao dằn vặt của nhân gian. Cô em gái của cô lúc sinh thời có một cậu bạn trai tên là Ryuichiro, một nhà văn thông minh, sắc bén, và thú vị, họ sống với nhau nhiều năm nhưng nó cứ tiếp diễn như thế cho đến khi em cô mất. Bây giờ cô sống chung một mái nhà cùng mẹ, em trai, một cô em họ đang học đại học, và bạn của mẹ cô, người phụ nữ đã ly dị.

Câu chuyện bắt đầu bằng rất nhiều những mẩu truyện vủn vặt, nhưng chợt đến một ngày Sakumi bị té và chấn thương sọ não, dẫn đến việc cô bị mất một phần trí nhớ. Sau đó gia đình cô cũng phát hiện người em trai của cô cũng có vấn đề, cậu bé bỗng nhiên có khả năng ngoại cảm. Tiếp theo đó mà một hành trình đi tìm kiếm những kí ức của Sakumi, hay nói đúng hơn là cách cô bước đi trên trong một thân xác rỗng tuếch mang tên “Sakumi”, cùng với sự xuất hiện của rất nhiều người bạn có những hoàn cảnh khác nhau. Như cô bạn thân Eiko, một tiểu thư không thiếu thứ gì nhưng lại thích nổi loạn. Hay cậu em trai Yoshio, một cậu bé luôn hoang mang về bản thân với thân xác một đứa trẻ nhưng lại phải tiếp nhận rất nhiều thứ vượt xa thân xác đây. Hay Ryuichiro, một nhà văn thú vị, thông minh, biết bản thân muốn gì và nên làm gì, một điểm tựa cảm xúc cho Sakumi sau này. Hay Kozumi cùng Saseko, những người có khả năng ngoại cảm như em cô, đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc trong cuộc sống để rồi họ chọn Saipan như bến đỗ cuối cùng dừng chân.

 

Cảm nhận về Amrita

Đối với mình, Amrita là một tiểu thuyết không có cao trào, mạch văn lúc thì chậm rãi cũng có những lúc thật hồi hộp, cùng rất nhiều mẩu truyện vụn vặt của những cuộc gặp gỡ và chia ly, những tình cảm đôi khi ấm áp nhưng đôi khi cũng thật phũ phàng.

Một số bạn đọc thì phê bình cách sắp xếp bố cục của Yoshimoto, nhưng mình lại cảm thấy đó là dụng ý của tác giả. Bản thân mình ngay từ ban đầu cũng cảm thấy lối dẫn truyện trong Amrita rất khác so với những truyện khác của Yoshimoto, nhưng về sau mình ngờ ngợ nhận ra tại sao tác giả lại viết một câu chuyện như vậy, nó mơ màng, nó rời rạc, đôi khi lại rất ngẫu nhiên, cũng giống như bản thân Sakumi trong hành trình khám phá quá khứ, tìm lại cảm xúc, tìm ra hạnh phúc của bản thân.

Hình ảnh của Sakumi tượng trưng cho những thanh niên đang sống trong một xã hội phát triển vượt bậc như hiện nay. Cuộc sống của chúng ta đôi khi vội vã đến nỗi chúng ta xem thường những cảm xúc, những kỉ niệm nhỏ nhặt của bản thân, của người xung quanh, ngay cả trong chính gia đình mình. Gánh nặng của kinh tế, những quy tắc của xã hội, những trách nhiệm từ gia đình đè nặng trên lưng, nên trong đầu bạn chỉ xoay vòng quanh những thứ như lợi ích, của cải, danh tiếng, thậm chí bạn phải cố tình bỏ mặc hay nhấn chìm những nỗi buồn do ly biệt, sự tổn thương do những lời nói vô cớ, những thứ tình cảm nồng nhiệt nhưng bị ngăn cản bởi rất nhiều yếu tố như hai chữ “tương lai”.

Khi nhắc đến Banana Yoshimoto, thì không thể không nhắc đến những cảm xúc tinh tế được tác giả thể hiện qua từng con chữ thật mộc mạc chân thành. Bằng cách miêu tả vô cùng chi tiết từ một góc nhìn mới lạ của tác giả, bạn như đang bước đi trong một thế giới vừa ảo vừa thật, ảo trong những giấc mơ, trong những yếu tố huyền huyễn tâm linh nhưng từ đó gợi mở ra một thế giới thực thật sống động của những bãi biển, những khung trời vô tận, những quán xá ven đường, từng bậc thang, từng ngóc ngách trong căn nhà của Sakumi. Yoshimoto đã khoác lên những khung cảnh đấy một cái “hồn” hoặc một loại cảm xúc nào đó thật hoài niệm.

Tác giả nhắc lại rất nhiều về dòng chảy của thời gian, lúc nhanh lúc chậm, lúc thì tiến về tương lai, lúc thì quay lại quá khứ, nhưng dẫu thế nào, chúng ta chỉ có thể tận hưởng từng khoảnh khắc của hiện tại mặc cho thời gian cứ tiến về phía trước. Dù gì chúng ta cũng chẳng biết ngày mai sẽ ra sau, hãy sống hết mình, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc, rồi giữ lại những kí ức mà bản thân mình trân trọng, và xem những nỗi đau, sự thống khổ như một bài học để bản thân tiếp tục trên hành trình của cuộc đời.

Bên cạnh đó, Yoshimoto ngay từ đầu đã đặt ra một câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Chắc đa số mọi người ngay cả mình cũng chỉ giải thích nó như một thứ cảm xúc vui vẻ, ấm áp, rất chung chung, hoặc nhiều người cũng lầm tưởng hạnh phúc là sự phấn khởi, một loại cảm xúc vui vẻ nhất thời. Nhưng Yoshimoto lại giải thích những cung bậc hạnh phúc khác nhau qua từng nhân vật khác nhau. Như tình yêu Reggae của ông chủ Belize, hay sự an tâm và bình yên khi Sakumi được ở bên Ryuichiro, một hạnh phúc đến từ sự thấu cảm không sợ hãi của Mì sợi và Mesmer, một thứ hạnh phúc ấm áp yên ả của hai tâm hồn đã định sẵn bởi sự bất hạnh như Saseko và Kozumi, hay chỉ đơn giản là một sự hạnh phúc khi bạn được tận hưởng một làn gió trong lành, được ngắm một ngôi sao băng, được cảm nhận sự ấm áp từ ánh nắng ban mai. Ngay vào phần kết của Amrita, mình nghĩ Yoshimoto một lần nữa lại đem chúng ta về một câu chuyện hiện thực, một hạnh phúc thực tế hơn, có thế Sakumi sau này không còn cảm thấy sự an tâm và bình yên nơi Ryuichiro, nhưng cái cảm xúc hạnh phúc ấy sẽ không bao giờ vĩnh viễn mất đi, vì thời gian vẫn cứ trôi, cuộc sống của Sakumi cũng không phải chấm dứt nếu tình yêu giữa cô và Ryuichiro rạn vỡ.

Nói chung, Amrita có thể không khiến mình vỡ òa như khi đọc Kitchen, không mang đến một tình cảm đôi lứa thật ấm áp như Lake, nhưng nó lại để trong mình một tiếng vang vọng nào đó tận sâu trong tâm khảm, phải chăng vì mình được thấy bản thân trong Sakumi. Nếu diễn tả Amrita bằng một giai điệu, trong đầu mình lập tức nghĩ ngay về Rêverie của Claude Debussy, thật êm ả, nhưng thật tinh tế, thật đẹp.



Melbourne, 17/11/2021.

Nát Viết Nhảm.

180 views0 comments

Comments


bottom of page