top of page
02-Porco-Rosso.jpg

​Cảm ơn đã ghé vào nhà mình

​Những chương trước hoặc sau sẽ được mentioned dưới mỗi bài post ở phần Related Posts để navigate, bạn cũng có thể nhấn vào tên truyện trong phần category để mở phần mục lục.

​Nếu bạn thích truyện do mình edit thì like hoặc comment nói nhảm cùng mình nhé.

Akutagawa Ryunosuke: Sự sụp đổ của người được chọn

Updated: May 5

Akutagawa, Ryunosuke. Rashomon and Seventeen Other Stories (Penguin Classics) . Penguin Books Ltd. Kindle Edition: Link

 

Đây là phần giới thiệu được viết bởi Murakami Haruki, trong tập truyện ngắn “Rashomon and Seventeen other stories” (Rashomon và mười bảy câu chuyện khác) của tác giả Akutagawa Ryunosuke, được xuất bản bởi nhà phát hành Penguin Books Ltd vào năm 2006.

Nát chỉ là một đọc giả yêu thích văn chương của Akutagawa Ryunosuke và cảm thấy phần giới thiệu của Murakami quá xuất sắc, vừa súc tích vừa thể hiện được những đặc điểm nổi bật trong sáng tác của tác gia Akutagawa và thậm chí là trong nền văn học nghệ thuật của Nhật Bản nói chung. Vì vậy, mình muốn dịch lại từ bản tiếng Anh phần mở đầu này, mong có thể giới thiệu một nhà văn đại tài nhưng yểu mệnh Akutagawa Ryunosuke cho những bạn nào chưa từng đọc truyện của tác giả, cũng như những bạn đã từng đọc và yêu thích truyện của ông như mình để có thể hiểu hơn về nhà văn Akutagawa Ryunosuke và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Có một số tác phẩm được nhắc đến mà chưa được biên dịch sang tiếng Việt và mình cũng chưa đọc qua nên xin để tạm bằng tiếng Anh để tránh nhầm lẫn.

 



Akutagawa Ryunosuke là một tượng đài mang tầm vóc quốc gia có rất nhiều đóng góp trong nền văn học Nhật Bản. Nếu trên đời này có một cuộc bình chọn để lựa ra mười nhà văn vĩ đại nhất của Nhật Bản từ thời kỳ văn học hiện đại vào năm 1868, không hề nghi ngờ gì nếu Akutagawa nằm trong danh sách đấy. Thậm chí, ông ấy dễ dàng nằm trong top 5 nữa đấy chứ.

Nhưng, trong một phạm vi nhất định nào đó, thế nào là một “tượng đài văn học vĩ đại của quốc gia” tại Nhật Bản”?

Chắc chắn, đó sẽ là một nhà văn đã để lại những tác phẩm luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và phản ảnh một cách chính xác hiện trạng và tâm lý của con người trong thời kỳ của họ. Đây là đặc điểm quan trọng nhất. Và dĩ nhiên bản thân những tác phẩm ấy – hoặc ít nhất là những tác phẩm nổi bật nhất của những tác giả ấy – không những phải xuất sắc một cách phi thường, chúng còn phải có chiều sâu cùng sức mạnh cứu rỗi ít nhất là trong vòng 25 năm sau khi nhà văn ấy đã mất.

Đặc điểm quan trọng thứ hai chính là tính cách của nhà văn hoặc cuộc sống của họ phải truyền cảm hứng rộng rãi đến các độc giả, khiến họ cảm thông và thực sự nể phục. Tuy nhiên, không phải tất cả những nhà văn đều là những con người có phẩm giá cùng đạo đức cao đẹp, một số trường hợp ngoại lệ (mà tôi sẽ không nhắc đến) có một cuộc sống riêng tư đã dấy lên rất nhiều câu hỏi từ công chúng. Thế nhưng để trở thành một tượng đài mang tầm quốc gia, họ đã nhận được sự công nhận, cũng như những đặc điểm nhận biết từ nhiều người về sự cống hiến đáng tôn trọng của họ cho nền văn học cũng như thế giới quan của nhân loại. Điều quan trọng nhất là, một trong số họ, dưới tư cách của một cá thể trong xã hội, đã nhận thức về những câu hỏi lớn mang tầm vóc của thời đại, chúng ta đã chấp nhận những đóng góp của họ cho xã hội dưới tư cách là những người tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật, và cũng như họ đã luôn nỗ lực một cách chân thành nhất để điều chỉnh cuộc sống của bản thân cho phù hợp với khuôn phép của xã hội.

Thêm một ý nữa – và đây là ý cuối cùng – đề trở thành một tượng đài văn học mang tầm quốc gia không những họ đã tặng cho chúng ta những tác phẩm đậm chất cổ điển nhưng cũng phải đủ thông dụng phổ biến để thu hút đại chúng – đặc biệt là thế hệ trẻ: có nghĩa là những tác phẩm dễ thẩm thấu để có thể xuất hiện trong sách giáo khoa cấp một cấp hai, và gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ. Botchan của Natsume Soseki (1906) là một ví dụ điển hình, nó đã được đọc hầu như bởi tất cả mọi người tại Nhật Bản vì nó được đưa vào chương trình học của cấp hai. Khó có thể nói Botchan là một tác phẩm đại diện cho Natsume Soseki, nhưng nó là một tiểu thuyết thú vị nhưng dễ đọc một cách lạ lùng. Một ví dụ tương tự có thể kể tới câu chuyện ngụ ngôn trong sáng của Shiga Naoya, “The shopboy’s god” (1920), hay cuốn tiểu thuyết tươi mới nói về thanh xuân, “The Dancing Girl of Izu” (1926). Shimazaki Toson không những đã cho ra đời những quyển tiểu thuyết dài và có phần trăn trở nhưng cũng có những tập thơ tình cảm rất ngẫu nhiên và cảm động dưới thể thơ tanka truyền thống. Mori Ogai cũng là một nhà văn được kính trọng bởi những tiểu thuyết về lịch sử cực kỳ uyên bác của ông, nhưng ông ấy cũng đã viết về những câu chuyện tình yêu “The Dancing Girl” (1980) với những ngôn từ đẹp đẽ đến mức tuyệt hảo, và cả “Sansho the Steward” (1915) được ông ấy viết lại dựa trên một câu chuyện cổ tích thời trung cổ cho những đọc giả trẻ thời hiện đại. Số lượng những đọc giả đã từng đọc hết cuốn tiểu thuyết dài dằng dặc “The Makioka Sisters” (1946-8) của Tanizaki Junichiro có lẽ cũng chẳng nhiều, nhưng tác phẩm đấy đã được chuyển thể rất nhiều lần với sự góp mặt của những diễn viên nữ xinh đẹp nhất trong thời đại của họ, vào vai bốn chị em gái dễ thương, đã để lại trong lòng hàng nghìn người xem những hình ảnh thật sống động. Nói cách khác, giống như cơn mưa xuân, những tác phẩm này, bằng những cách dễ tiếp nhận nhất, đã lặng lẽ gieo vào tâm hồn trù phú của người đọc để tạo nên những thứ thứ chẳng hạn như là nền tảng của văn hóa hoặc khả năng cảm thụ của người Nhật.

Chắc chắn tại tất cả các quốc gia, trong mọi nền văn hóa, đều tồn tại cái thứ giống như một thể chế văn hóa đã vận hành bất tri bất giác trong lòng của những con dân nơi đấy. Anh Quốc có Dickens and Shakespeare, Hoa Kỳ có Melville và Fitzgerald. Còn người Pháp có Balzac và Flaubert. Những tác phẩm của những nhà văn vĩ đại mang tầm quốc gia này đã khắc sâu vào trái tim và tâm hồn của mỗi cá thể công dân trong suốt thời niên thiếu của họ dưới những hình thức mà dường như đã nắm một vai trò độc quyền tuyệt đối, và trước khi họ nhận thức được điều đó, họ vẫn luôn tiếp tục gieo rắc những nhận thức chung về văn học và văn hóa tại nhiều nơi khác – một trong số đó gọi là bản sắc chung.

Những tác phẩm này đã được truyền dạy từ những giáo viên sang học sinh, từ cha mẹ sang con cái, hầu như chẳng với một thắc mắc nào, như là DNA vậy. Họ ghi nhớ, đọc thuộc lòng, bình luận trong những quyến sách và báo cáo, cả trong những kỳ thi tuyển sinh đại học, và ngay cả khi những học sinh ấy lớn lên, họ cũng bắt đầu trở thành những người cung cấp cho những giá trị của những tác phẩm văn học ấy. Chúng được làm đi làm lại thành những bộ phim, rồi được chuyển thể, và không thể tránh khỏi nếu chúng trở thành những đề tài, để dè bỉu và phản đối, của những nhà văn trẻ đầy tham vọng. Cuối cùng, mỗi trong số chúng đều tự động trở thành một đặc điểm hoặc dấu chỉ hoặc một ẩn dụ tượng trưng như quốc kỳ hay quốc ca, hay một danh lam thắng cảnh của quốc gia đấy (đối với Nhật Bản, chẳng hạn như núi Phú Sĩ hay hoa anh đào). Và tất nhiên, dù tốt hơn hay tệ hơn, mỗi tác phẩm đều trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa của chúng ta. Nếu như những tuyệt tác này không được tạo ra, không có những dấu ấn vô thức khắc vào tâm hồn chúng ta, lúc đấy chúng ta sẽ không thể nào sở hữu một thứ như nhận thức chung về văn hóa dân tộc.

Vì những lý do trên, tôi, cũng như bao người Nhật khác, đã đọc rất nhiều câu chuyện của Akutagawa Ryunosuke khi tôi còn học tiểu học. Đôi khi tôi đọc chúng trong sách giáo khoa, đôi khi tôi đọc chúng vì đó là bài tập về nhà được giao trong hè để viết báo cáo. Tôi không biết trẻ em ngày nay được đọc (hoặc buộc phải đọc) bao nhiêu câu chuyện của Akutagawa Ryunosuke, nhưng tôi nghĩ họ cũng chẳng khác thời chúng tôi là mấy. Những truyện mà tôi thường đọc là rất nhiều câu chuyện xuất sắc mà ông ấy đã viết dành riêng cho thiếu nhi, như “Sợi tơ nhện”, “Cậu bé Đỗ Tử Xuân” (Tu Tze-chun), “Nghệ thuật của sự huyền bí”, và rất nhiều những câu chuyện khác mà trẻ em rất thích đọc như “Cái mũi”, “Cháo khoai” (Yam Gruel), vân vân... Khi tôi lớn hơn một xíu, tầm trung học cơ sở, tôi đã đọc những câu chuyện có phần bạo lực và trào phúng hơn như “Rashomon”, “Trong rừng trúc” (In a bamboo grove), “Hell Screen”, và “Kappa”, đến lúc lên trung học phổ thông tôi nhớ rằng tôi đã nâng tầm khi đọc những tác phẩm có phần khó hiểu, và nội tâm hơn, tựa như những cuốn tự truyện mà ông ấy viết ra chỉ để bảo toàn tính “văn học thuần túy” như “Những bánh răng xoay vòng” (Spinning Gears), “Cuộc đời của một kẻ ngốc” (The life of a Stupid Man), “Death register”. Tôi cũng như bao người Nhật khác, theo thói quen tôi đọc những những tác phẩm của Akutagawa, rồi sau đó mới từ những tác phẩm dành cho giới trẻ nâng lên những tác phẩm có phần khó nhằn hơn. Nếu như đọc theo cách như vậy, mọi người sẽ được cập nhật một góc nhìn tổng quát về thế giới hư cấu độc đáo của Akutagawa, tiếp thu nó như một phần của nền tảng văn hóa, và sau đó — nếu có khuynh hướng như vậy — người ta sẽ tiếp tục tiến xa đến một thế giới văn học rộng lớn hơn.

Còn với tôi, những nhà văn yêu thích của tôi trong số những “nhà văn vĩ đại của Nhật Bản” đứng đầu là Soseki và Tanizaki, và theo sau là Akutagawa.

Vậy thì cái gì đã khiến Akutagawa Ryunosuke trở nên đặc biệt trong số những nhà văn tại Nhật Bản?

Điều rõ ràng nhất theo góc nhìn của tôi về những tác phẩm văn học của ông ấy, đó chính là sự xuất sắc trong phong cách của ông ấy: sự tuyệt đỉnh trong nghệ thuật sử dụng tiếng Nhật của ông ấy. Cho những ai không bao thể ngừng đọc và đọc lại mãi những tác phẩm kinh điển của ông ấy. Akutagawa là một nhà văn được sinh ra để viết truyện ngắn, người đã tạo ra vô vàn những tác phẩm tuyệt vời và thành công hơn hẳn những người khác. Thật ra, cũng có một số tác phẩm không viết ra dành cho những độc giả thời hiện đại, hoặc ít nhất là mặt bằng chung của những độc giả thời hiện đại. Một phần nào đó cũng có thể do vấn đề tâm lý không ổn định của Akutagawa, khiến ông ấy đã mất tập trung để tìm ra phương hướng trên con đường sáng tác, nhưng khi ông tập trung cao độ, sự sắc bén trong phong cách sáng tác của ông là độc nhất vô nhị, mà chỉ có ông mới làm ra được.

Sự trôi chảy trong ngôn ngữ là đặc điểm tuyệt vời nhất trong phong cách sáng tác của Akutagawa. Không bao giờ trì tệ ứ đọng, ngôn từ lướt đi như một sinh vật sống. Sự lựa chọn trong ngôn từ vừa tự nhiên vừa trực quan, lại còn thật đẹp đẽ. Trong suốt những năm học tập và nghiên cứu về nhiều ngoại ngữ và văn học Trung Quốc, ông ấy đã có thể tóm tắt những từ ngữ mang theo sự tao nhã cùng cổ điển nhẹ tựa hư không – những cách diễn đạt mà các nhà văn thời hiện đại không còn sử dụng nữa — rồi điều khiển chúng theo ý muốn thành những sự sắp đặt vô cùng kiều diễm. Điều này có thể thấy đặc biệt rõ trong những tác phẩm ban đầu của ông, cụ thể là trong những câu chuyện được viết lại bằng ngôn ngữ hiện đại mà ông ấy dựa trên hai tập truyện cổ tích dân gian lớn nhất và đa dạng nhất của Nhật Bản, Tập truyện cổ tích “Konjaku monogatari” (đầu thế kỷ 12; hay còn được dịch “Tales of Times Now Past”), và Tập truyện cổ tích từ Uji: “Cái mũi”, “Trong rừng trúc”, “Rashomon”, “Hell Screen”, “Cháo khoai”, “Người phụ nữ, Rokuno Miya.” Cái cách ông ấy áp dụng thật dễ dàng, nhẹ tự hư không ấy, để có thể đem đến cho người đọc một thế giới cổ điển huyền ảo từ những câu chuyện cổ tích sống động trong một xã hội hiện đại một cách ngoạn mục nhất có thể. Akutagawa đã xuất bản những tác phẩm thời niên thiếu của ông ấy , như “Rashomon” (1915) và “Cái mũi” (1916), trong những tạp chí sinh viên khi ông ấy mới chỉ viên 23 tuổi, nhưng trong những tác phẩm ấy chúng ta đã có thể nhận ra được lối viết văn thật chững chạc, trôi chảy, tinh tế và cũng có phần tự phát. Tưởng chừng chúng ta đang được đọc những tác phẩm của một nhà văn dày dặn kinh nghiệm, chứ không phải được viết bởi một học sinh chưa sỏi đời.

Natsume Soseki, một nhà văn đàn anh trong số những “nhà văn vĩ đại của quốc gia”, đã từng rất kinh ngạc khi ông đọc tác phẩm “Cái mũi”, và ông đã viết trong lá tư động viên những nhà văn trẻ như sau: “Tổng hợp 20 đến 30 câu chuyện như thế”, ông ấy nói rằng, “Và sẽ chẳng có ai có thể làm được một việc giống cậu trong thế giới văn chương này.” Bởi vì cũng từng là một nhà văn trẻ nên nói chung ông hiểu những nhà văn trẻ, Soseki không bao giờ nịnh bợ để dành lời ngợi khen vô cùng rộng lượng như thế cho bất kì ai. Chắc chắn, với vốn hiểu biết sâu rộng của ông ấy, Soseki chắc chắn đã tìm ra nhiều viên kim cương chiếu sáng từ tận cốt lõi của chúng, Akutagawa đã chào sân như một nhà văn đĩnh đạc, ít nhất là trong phong cách và cảm thụ văn học của ông.

Phong cách và cảm thụ văn học: chắc chắn là những vũ khí lợi hại nhất trong kho vũ khí độc quyền của Akutagawa, nhưng nó cũng đã trở thành gót chân của Achilles chí mạng cho ông. Nói đúng hơn bởi vì những vũ khí này của ông ấy quá sắc bén và quá hiệu quả, bằng một cách nào đó chúng cản trở ông trong việc định hướng trên con đường sáng tác dài hơi của ông sau này. Nó cũng giống trường hợp một nghệ sĩ piano được sinh ra với tài năng thiên bẩm cùng kỹ thuật điêu luyện. Bởi vì những ngón tay của anh ta di chuyển quá nhanh và quá ràng mạch như thế, nên thỉnh thoảng vào những khúc cần tạm nghỉ để chuẩn bị cho một thứ gì đó còn khó nhằn và dài hơi hơn nữa, trong sự sâu lắng của bản nhạc, có thể bị kiềm chế trước khi anh ta nhận ra điều đó. Những ngón tay di chuyển tinh tế với tốc độ bình thường còn tâm trạng anh ta lại vội vã để nắm bắt nhịp độ. Hoặc có thể tâm trạng anh ta đã tiến lên phía trước còn ngón tay thì đang nóng vội để bắt kịp. Dù trường hợp nào, một khoảng cách không thể kiểm soát bắt đầu hình thành giữa anh ta và sự chuyển động của thời gian trong thế giới xung quanh anh ta. Thế nhưng cái khoảng cách này dường như đã chồng chất thêm những ngánh nặng tâm lý cho Akutagawa, và thôi thúc ông tự sát.

Ngoài ra, không thể nào phủ nhận là còn có một sự mãnh liệt đến ngộp thở đã dẫn đến lối viết tự do và có phần ác liệt trong 5-6 năm đầu tiên của ông. Lấy một ví dụ điển hình ở nước ngoài, Akutagawa hay được đem lên bàn cân so sánh do sự tương đồng với F.Scott Fitzgerald. Cũng như thế, Fitzgerald là một nhà văn bẩm sinh mà truyện ngắn của ông sau này đã trở thành một chiến trường trong chính sự nghiệp ông. Ông ấy đã có một bước đầu tiên trên con đường chuyên nghiệp vào những năm 20 tuổi trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ I, và ông ấy cũng nhanh chóng khiến thế giới chấn động bởi sự tuyệt vời trong sáng tác cũng như lối viết sắc bén và trôi chảy của mình. Ông ấy đã để lại rất nhiều những kiệt tác cho thế hệ sau này, nhưng sáng tác liên tục với tốc độ gấp rút của một nhà văn nổi tiếng, những tác phẩm không xuất sắc của ông cũng nhiều gấp đôi bình thường. Nhưng không thể chối bỏ những thành tựu của ông. Bản thân thể loại truyện ngắn đã được đánh dấu bởi một lịch sử như thế. Nếu mười câu chuyện trong một trăm câu chuyện có thể tồn tại và vẫn luôn được công nhận bởi đọc giả qua nhiều thế hệ, thì ông chắc chắn đã gặt hái được những thành tựu lớn. Không có nhà văn nào có thể biến mọi tác phảm đều là kiệt tác, và cũng không nên đổ lỗi cho những nhà văn nếu họ viết ra những tác phẩm thất bại hoặc còn dở dang. Trong cuộc sống, nên suy xét mọi thứ trong cả một chặng đường dài. Đôi khi có những thứ diễn ra suôn sẻ, và đôi khi thì không. Đôi khi bạn phải viết những thứ mà bạn không quá cuồng nhiệt với nó chỉ để kiếm sống. Điều quan trọng là 10 kiệt tác vẫn còn tồn tại kia đã tuyệt vời như thế nào, đó là lý do vì sao cả Akutagawa và Fitzgerald đều được các nhà văn tôn trọng và những tác phẩm của họ vẫn luôn được đọc đi đọc lại mãi qua nhiều thế hệ bạn đọc.

Quan trọng hơn cả cái tỉ lệ tác phẩm đứng đầu hay đứng thứ hai kia, là cách thức mà nhà văn đã lồng ghép sự tươi mới của tuổi trẻ cùng với sự trưởng thành trải đời và biến nó thành một thế giới văn học sâu sắc và bao quát hơn. Fitzgerald về bản chất đã không thể học hỏi từ bất kỳ điều gì ngoại trừ trải nghiệm cá nhân của bản thân, và những trải nghiệm đó chính là những bi kịch trong cuộc đời ông. Vợ ông, Zelda, đã chống chọi với căn bệnh tâm thần, và rồi cuộc hôn nhân của họ tan vỡ, cuộc Đại suy thoái xảy ra, và suốt thời gian đó ông chìm trong rượu chè, kết quả là sự nổi tiếng của ông cũng dần sa sút. Những điều này đã góp phần cho độ sâu sắc trong những tác phẩm văn học của ông. Vào những năm cuối đời, ông đã thành công khi tạo nên những tác phẩm cay đắng đến tận cùng, khác hẳn so với phong cách trữ tình và sắc sảo thời trẻ của ông (mặc dù chúng chưa bao giờ đạt được những thành công thương mại như những tác phẩm trước đây).

Còn Akutagawa thì sao? Khi ông ấy kết thúc cuộc đời mình ở ngưỡng cửa 35, ông ấy vẫn luôn không ngừng cống hiến trên con đường viết lách suốt 12 năm trời, nhưng trong suốt quãng thời gian đấy ông ấy đã từng cố gắng thử không ít lần thay đổi trong phong cách sáng tác của mình.

Trong thời kỳ đầu của sự nghiệp, ông ấy đã viết một số lượng lớn những câu chuyện dựa trên những sự kiện lịch sử hoặc những tiểu thuyết cổ điển, và một thiên tài với phong cách sáng tác riêng biệt đã giúp ông nhận về rất nhiều lời ngợi khen. Có những tác phẩm của ông thậm chí vẫn luôn được truyền tay nhau mãi cho đến tận ngày nay như những tác phẩm kinh điển. Akutagawa bất bại nhờ vào cách mô tả tâm lý con người cực kỳ chi tiết và đồng thời cộng thêm ví von dí dỏm của ông. Đã từng có một thời gian, ông thậm chí đã trở thành một hình ảnh thân thương trong thế hệ cùng thời với ông. Sau đó, kể từ năm 1922, bắt đầu đến giai đoạn giữa của ông, đó cũng là lúc mà chúng ta được nhìn thấy một góc độ nào đó của sự trì trệ cũng như bối rối trong sáng tác của ông. Sự ngờ vực bắt đầu hành hạ ông: liệu có ổn khi ông ấy cứ mãi viết lại những câu chuyện dựa trên chất liệu lịch sử, hay những câu chuyện siêu nhiên tách biệt ra khỏi thực tế, và những giai thoại dí dỏm hết lần này đến lần khác? Và sự thật đã cho thấy, những lời phê bình bắt đầu xuất hiện trong giới văn học. Một hình ảnh bắt đầu được mặc định cho các tác phẩm của Akutagawa cũng được một nhà văn đồng nghiệp định nghĩa như sau: “Dường như ông trời đang đùa giỡn với cuộc đời bằng một chiếc nhíp bạc.” Một người khác đã gọi ông là “một nhà văn không thể viết nếu không có đạo cụ.” Cũng không phải những quan điểm này hoàn toàn không có cơ sở. Một sự rời rạc nhất định đã vô hình đeo bám trong tác phẩm của Akutagawa, như thể người đọc đang nhìn thế giới từ một khoảng cách nhất định bị che chắn bởi một tấm kính chính giữa, và từ vị thế như vậy đương nhiên sẽ kéo theo những lời chỉ trích tiêu cực từ giới văn học. Những tác phẩm ban đầu của Akutagawa không liên quan gì đến những thông điệp mà đã được truyền tải trong những tiểu thuyết của Soseki – cũng là những tác phẩm tách biệt cao nhã (lofty detachment) mà ngay cả khi chúng xuống gần trái đất, với sự nhạy bén tuyệt vời, vẫn có thể miêu tả được nhân tâm của nhân loại sống ở đó.

Dĩ nhiên, Akutagawa có thể đã chịu tác động của sự dằn vặt tự vấn trong nội tâm, và nhưng lời chỉ trích từ bên ngoài tràn ngập tính khiêu khích, tuy nhiên vẫn phải nói những điều này đã tạo nên tính độc đáo trong phong cách sáng tác của ông, cho dù chúng ta có thích chúng hay không (thực sự, không ai trước ông ấy hoặc sau ông ấy có thể viết được như ông ấy). Nhưng nếu đây có thể là phản ứng của các tài năng tầm thường, thì đó không phải là một lựa chọn khả dụng cho Akutagawa, người đã được công nhận - và được trao sự tôn trọng - một nhà văn đứng đầu. Là một nhà văn trên hàng tiền tuyến của văn học, ông hoàn toàn tỉnh táo trước những vấn đề của thời đại mình và phản ứng với chúng bằng một tinh thần trách nhiệm cùng sứ mệnh. Dù tốt hơn hay xấu đi, thì ông ấy vẫn là một ngôi sao, một trong những kẻ được chọn. Một sự thừa nhận dũng cảm cho những thất bại, một cuộc rút lui thầm lặng, một sự từ bỏ cho vị trí đứng đầu mà ông ấy từng giành được: đây không phải là những lựa chọn trong cuộc sống mà ông ấy có thể quyết định. Ông ấy phải giữ nguyên vị trí nơi ông ấy đã từng có: vị trí ở tiền tuyến. Và để làm được như vậy, ông ấy sẽ phải dọn ra một con đường mới đầy tham vọng hơn. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với ông: dường như ông ấy không bao giờ tìm thấy thứ độc nhất mà ông ấy phải viết hoàn toàn về nó.

Qua một khoảng thời gian thử và sai liên tục cho đến năm 1925, khi đấy khoảng cách giữa những tác phẩm thành công và thất bại của ông ấy cũng trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Giờ đây, ông ấy đã không chỉ viết những câu chuyện mô phỏng theo những tác phẩm kinh điển, nhưng ông ấy còn làm việc cật lực và liên tục với nhiều hình thức khác nhau để tạo ra một thế giới đương đại hư cấu hơn mà nó thuộc về bản thân ông ấy. Nhưng, ông ấy vẫn không thể tìm ra được một thể loại truyện mà hoàn toàn phù hợp với tâm lý và khả năng cảm thụ bẩm sinh của mình. Những câu chuyện ông viết trong giai đoạn này thiếu sự quyết liệt: chúng không thể nào qua khỏi cái mức “được viết tốt” cả. Những câu chuyện không truyền tải được hơi hướm của sự thiết yếu cho người đọc; dường như chúng không chứa đựng một cảm xúc nhất định nào mà tác giả muốn truyền đạt. Ông ấy ghép từng câu chuyện với nhau đủ tốt, nhưng chính sự khéo léo mà ông ấy cố gắng thực hiện dường như đang kìm hãm chính ông ấy lại.

Akutagawa luôn hướng về chủ nghĩa hiện đại. Khi ông sinh ra vào năm 1892, gần 25 năm – trọn vẹn cả một thế hệ - đã trôi qua kể từ khi Nhật Bản kết thúc hai thế kỷ rưỡi cô lập dưới sự cai trị của chính phủ Tokugawa và thực hiện cuộc đại cải cách được gọi là “hiện đại hóa”. Nói cách khác, Akutagawa sinh ra là một đứa trẻ của thời hiện đại. Nền văn minh phương Tây và nền giáo dục kiểu phương Tây đã là những thứ có thể được coi là đương nhiên. Ông học tập trong hệ thống giáo dục hiện đại, thông thạo ngoại ngữ, tiến bộ theo trình độ ưu tú và lập thành tích xuất sắc trong học viện đứng đầu của đỉnh chiếc kim tự tháp giáo dục thời đó, Đại học Hoàng gia Tokyo. Ông đã đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn hàng đầu của thời đại — Tolstoy, Dostoevsky, Anatole France, Maupassant, Strindberg — dưới ngôn ngữ gốc hoặc bản dịch tiếng Anh, và ông đã tiếp thu được khả năng cảm thụ của phương Tây. Ông ấy mặc vest phương Tây, hút xì gà, uống cà phê, ăn thịt bò, nói chuyện thỉnh thoảng với người nước ngoài, và đánh giá cao loại hình opera. Đối với ông, lối sống Tây hóa như vậy là hoàn toàn tự nhiên và hoàn toàn thoải mái. Trong những năm Akutagawa tích cực viết, 1915–27, chiến tranh thế giới thứ nhất đã đẩy nền kinh tế Nhật Bản vào điều kiện bùng nổ. Đây cũng là những năm được gọi là “Nền dân chủ Taishō” (trong Thời kỳ Taishō, 1912–26), có thể được gọi là Thời đại Weimar (thời kỳ kinh tế và văn hóa bùng nổ tại Đức) của Nhật Bản. Sau các cuộc Chiến tranh Trung-Nhật (1894–5) và Nga-Nhật (1904–5) gay gắt, Nhật Bản đã củng cố vị trí của mình trong trật tự thế giới, do kết quả của những căng thẳng ngột ngạt của Thời kỳ Minh Trị (1868–1912) ) đã thả lỏng hơn, xu hướng tự do đã sinh sôi nảy nở trong xã hội thời đấy, và mọi người đã ca ngợi chủ nghĩa hiện đại. Tác động của Cách mạng Nga đã khơi dậy phong trào xã hội chủ nghĩa của tầng lớp lao động. Váy ngắn dần và phong trào giải phóng phụ nữ bắt đầu. Bầu không khí tự do này đã bị phá hủy hoàn toàn bởi sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, cuộc suy thoái tiếp theo trên toàn thế giới, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít, nhưng tất cả đều xảy ra sau khi Akutagawa rời bỏ thế giới.

Với ông ấy, chúng ta vẫn đang nằm giữa Dân chủ Taishō, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, hãy lùi một bước tại Tokyo, nơi những thay đổi mang tính cách mạng này đang diễn ra, và đồng thời những khía cạnh cơ bản nhất trong cuộc sống của người Nhật vẫn bị chi phối bởi nền văn hóa bản địa cổ hũ. Trên thực tế, một thế giới trong trang phục tiền hiện đại vẫn bao trùm những cách thức của thành phố hiện đại hóa mà Akutagawa đại diện. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: chỉ năm mươi năm trước, samurai đã cầm thanh kiếm đi khắp nơi, cùng với búi tóc cao trên đầu của họ. Trong suốt 220 năm, người Nhật đã bị nhốt trong các hòn đảo nhỏ của họ, hầu như không liên lạc với các quốc gia khác, bảo tồn nền văn hóa độc đáo của họ trong một hệ thống dựa trên chế độ phong kiến. Chỉ một thế hệ đã trôi qua kể từ cuối thời đại đó, và hầu như không đủ thời gian để định hình lại thế giới quan bên trong mỗi con người.

Các khía cạnh bề ngoài chẳng hạn như các hệ thống mới có thể được áp dụng một cách háo hức (hoặc trong một số trường hợp miễn cưỡng, thông qua sự ép buộc), nhưng một số điều cơ bản nhất định vẫn không bị ảnh hưởng: khả năng cảm thụ, giá trị con người, hình ảnh tinh thần nguyên mẫu. Trên thực tế, chính phủ Minh Trị đã công khai thúc đẩy một chính sách hỗ trợ sự phân đôi như vậy, thể hiện bằng khẩu hiệu “Tinh thần Nhật Bản, công nghệ phương Tây”. Họ muốn kết hợp sự tiến bộ của công nghệ và sự hiệu quả của các hệ thống phương Tây, nhưng họ cũng muốn người dân vẫn là những nhà Nho mẫu mực, và biết phục tùng. Điều đó giúp họ điều hành đất nước dễ dàng hơn. Nói cách khác, ở một mức độ nào đó, sự cặn bã của chế độ phong kiến đã được cố ý để lại. Giữa một đại dương văn hóa bản địa gần như áp đảo này, văn hóa đô thị ngày càng trở nên tách biệt, và Akutagawa đơn giản là một thành viên của một tầng lớp tinh hoa nhỏ bé. Chẳng bao lâu sau, điều này khiến ông ấy lo lắng.

Akutagawa đã thành công du nhập khuynh hướng chủ nghĩa hiện đại của mình vào một thế giới hư cấu vay mượn từ một bối cảnh của truyện dân gian. Nói cách khác, ông đã thành công trong việc tạo cho chủ nghĩa hiện đại của mình một “câu chuyện” bằng cách chuyển thể một cách khéo léo hình thức tiền hiện đại — hình thức câu chuyện thời trung cổ đã nở rộ gần một nghìn năm trước đó. Thay vì tạo ra một nền văn học hiện đại thuần túy, ông đầu tiên biến đổi cho chủ nghĩa hiện đại của mình sang một hình thức khác. Đây là điểm khởi đầu văn học của ông, và đó là một cách tiếp cận cực kỳ phong cách, uyên bác. Bằng cách sử dụng chiến lược này, ông ấy đã có thể chiếm được thiện cảm của một lượng lớn độc giả. Thay vào đó, nếu ông chọn viết văn học hiện đại như một người theo chủ nghĩa hiện đại thuần túy, thì ông gần như chắc chắn chỉ có được thành công của một nhà văn “salon” với một số lượng hạn chế từ các độc giả học thức, và tiểu thuyết của ông sẽ nhanh chóng đối mặt với những trở ngại bởi những hạn chế của chính nó. Akutagawa có cảm thụ văn chương bản năng (hoặc có lẽ là chiến lược) để tránh đi vào ngõ cụt như vậy. Trong phần đầu tiên của bộ sưu tập các truyện ngắn này (ý là phần đầu trong quyển sách những tập truyện ngắn của Akutagawa), “Một thế giới trong sự suy tàn”, người đọc có thể thưởng thức một số ví dụ về các tác phẩm của Akutagawa thích ứng với các chất liệu tiền hiện đại cho đến hiện đại.

Một điều tôi hy vọng sẽ làm rõ ở đây là Akutagawa không đơn giản chỉ là một người theo chủ nghĩa hiện đại với những ảnh hưởng của phương Tây. Ông lớn lên ở “khu vực thấp” (Shitamachi), phía đông cũ của Tokyo, nơi người dân thường sinh sống kể từ khi thành phố thủ đô của Tokugawa Shōgun được gọi là Edo và là khởi nguồn của nền văn hóa Thời kỳ Edo (1600–1868) vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ tại đây. (Tầng lớp trung lưu mới, với khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ, thường thích sống ở "khu vực cao" tại những đồi núi được gọi là Yamanote.) Từ thời thơ ấu, ông đã đắm chìm trong loại hình Kabuki, một thể loại kịch nổi tiếng đã phát triển mạnh mẽ ở khu vực thấp, và ông ấy thích những tác phẩm dí dỏm của giới trí thức thời Edo. Ông cũng có một kiến ​​thức phong phú về ngôn ngữ và văn học Trung Quốc không thể thiếu đối với bất kỳ người có học vấn nào trong thời kỳ tiền hiện đại. (Vẻ đẹp tượng hình của các ký tự Trung Quốc mà Akutagawa sử dụng đáng được đặc biệt nhấn mạnh, mặc dù rất tiếc điều này không thể được nhìn thấy trong bản dịch.)

Vì vậy, cuộc xung đột khốc liệt giữa người hiện đại và người tiền hiện đại đã xảy ra không chỉ trong góc nhìn của ông với thế giới xung quanh mà còn nằm sâu trong tâm khảm của bản thân ông. Điều tương tự cũng có thể nói về những người khổng lồ trong văn học thời Minh Trị, những người đã đi trước ông - ví dụ như Natsume Sōseki và Mori Ōgai. Đông so với Tây: đối với giới văn hóa ưu tú mới chớm nở của Nhật Bản, những người còn lâu mới có lập trường dứt khoát, việc nghiêng quá xa theo hướng này hay hướng khác đều có thể rất nguy hiểm. Như thể đưa ra một loại chính sách bảo hiểm, họ phải cố gắng tiếp thu văn hóa cao cấp của cả phương Đông lẫn phương Tây với liều lượng như nhau để có thể sẵn sàng chuyển từ loại này sang loại khác. Có một cách diễn đạt được sử dụng để biểu thị cho ‘những người Nhật có học thức thuộc tầng lớp ưu tú’ (khúc này bản gốc ghi là ‘cultured Japanese of the first rank’): Kokontōzai ni tsūjiru (tương tác giữa tân-cổ-đông-tây), đối với họ, đó là bản chất của sự đúng đắn về chính trị. Chính vì đã hấp thụ triệt để kiểu giáo dục “tân-cổ-đông-tây” này mà Akutagawa có thể tự do chuyển đổi giữa tiền hiện đại và hiện đại trong việc xây dựng thế giới hư cấu độc đáo của riêng mình. Ông có thể dễ dàng chuyển các thể loại văn học phương Tây sang tiếng Nhật một cách dễ dàng, và kỹ thuật này là một vũ khí lợi hại khác của Akutagawa trong thời kỳ đầu.

Tuy nhiên, kỹ thuật tuyệt hảo, mặc dù được áp dụng một cách khéo léo, không nhất thiết phải chuyển thành văn học gốc. Một thế giới hư cấu không thực sự thuộc về ông ấy và những cái vật chứa vay mượn đã qua sử dụng cuối cùng sẽ dẫn vào bế tắc và cản đường ông ấy như một bức tường cao. Ngoài ra, theo đuổi phương pháp hư cấu chỉ có thể mang lại sự đánh bóng về mặt kỹ thuật. Và không có gì đáng ngạc nhiên, sự mới lạ sẽ thưa thớt dần và độc giả sẽ cảm thấy mệt mỏi khi nhìn thấy những thiết lập giống nhau.

Tuy nhiên, đối với Akutagawa, sau năm 1925, không thể phát triển theo xu hướng viết tiểu thuyết hiện đại thuần túy. Ông ấy đã có một vị trí quá quan trọng - và quá “già” - để thoát khỏi cuộc chơi trí tuệ phức tạp. Thời đại cũng đã trôi qua kể từ khi ông ấy bắt đầu sự nghiệp. Những chấn động khổng lồ của Cách mạng Nga đã đến Nhật Bản, và cái bóng dày đặc của chủ nghĩa Mác đã bắt đầu trải dài khắp trái đất. Tinh thần của thời đại đang hướng tới nhu cầu về “văn học có chất” (literature of substance). Sự chú ý của mọi người bắt đầu chuyển sang một nền văn học mô tả những gánh nặng của cuộc sống với độ chính xác so với thực tế. Ở Nhật Bản, thể loại văn học mới này được gọi là "Marxist" và sau này là văn học "vô sản".

Cũng cần phải nói đến thể loại “I-novel” (watakushi-shōsetsu), một hình thức đã trở nên mạnh mẽ ở Nhật Bản kể từ đầu thế kỷ 20 này và nhận được sự tôn trọng lớn nhất của giới phê bình khi nó trở thành xu hướng chính của tiểu thuyết Nhật Bản hiện đại. Trong I-novel (hoặc có thể là “I-fiction”, vì phong cách này được sử dụng trong cả tiểu thuyết dài tập và truyện ngắn giống như tiểu luận), tác giả mô tả kỹ lưỡng về những điều rắc rối nhỏ nhặt xung quanh mình, với một sự phô trương nhấn mạnh vào những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống và nhân cách của chính họ.

Đây là cách Nhật Bản sửa đổi Chủ nghĩa Tự nhiên của Châu Âu để tiêu thụ trong nước. Bằng cách này, tiểu thuyết thuộc chủ nghĩa hiện đại đã trở thành đối tượng của một cuộc tấn công gọng kìm từ cả tiểu thuyết I-novel và văn học Marxist, vốn có chung sự nhấn mạnh không linh hoạt vào nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực. Akutagawa, với phẩm chất bẩm sinh tách biệt đầy cao nhã (Cao thượng và văn nhã), không thể dễ dàng ủng hộ cho bất kỳ phe nào. Ông ấy không bao giờ có thể hoàn toàn chấp nhận một trong hai loại chủ nghĩa hiện thực trần trụi. Những gì Akutagawa chọn làm là che giấu sự xấu hổ của con người bằng kỹ thuật kể chuyện và một biện pháp văn phong phức tạp: đây là cách ông ấy sống và đây là cách ông ấy viết. Biện pháp văn học mà cả I-novel và tiểu thuyết vô sản dựa trên căn bản là đối lập với lối sống của ông. Tuy nhiên, bị bó buộc bởi các áp lực của thời đại và nhận thấy cần phải cân nhắc giữa phương pháp I-novel với phương pháp của chủ nghĩa Mác trên quy mô cá nhân của mình, Akutagawa chắc chắn nghiêng về phương pháp trước (I-novel). Ông đã quá đa nghi, quá chủ nghĩa cá nhân hóa và quá thông minh để tin tưởng rằng bản thân ông ấy có thể trở thành một phát ngôn viên uyên bác đem lại hiệu quả cho giai cấp công nhân.

Chiến lược sau này của Akutagawa là mượn phong cách I-novel nhưng sử dụng nó với cách “cầm chuôi ngược” (reverse grip), có thể nói là, để chèn những lời thú nhận giả tạo vào vật chứa có vẻ như vô nghệ thuật này. Đây là một phương pháp phức tạp và có độ rủi ro cao. Nhưng đối với Akutagawa, người cần “đạo cụ”, đó có lẽ là một lựa chọn không thể tránh khỏi.

Các tác phẩm từ hai hoặc ba năm cuối đời của ông được đưa vào đây trong phần cuối cùng, “Câu chuyện của riêng Akutagawa”. Chúng cùng nhau tạo nên tập hợp các câu chuyện nội tâm, thần kinh rối loạn và cực kỳ u uất. Tuy nhiên, sự u ám của chúng không bao giờ suy biến thành một sự bộc lộ cảm xúc đơn thuần, mà đứng vững trên nền tảng của tác phẩm nghệ thuật theo phong cách Akutagawa. Một số tác phẩm có thể có những khoảnh khắc quay như bánh xe, nhưng mỗi tác phẩm nói chung vẫn giữ được tính tự chủ về nghệ thuật của nó. Ông ấy có thể đang viết một cái gì đó gần với sự thật của cuộc đời mình, nhưng khả năng kiểm soát trong phong cách của ông ấy vẫn mạnh mẽ và lối viết của ông thể hiện đủ những nghệ thuật sắp đặt để khiến người đọc cảnh giác: “Bạn sẽ không bao giờ biết được đâu”, ông ấy dường như đang nhắc nhở chúng ta, "Bao nhiêu trong số này là sự thật và bao nhiêu là hư cấu."

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu những thử nghiệm này của Akutagawa có thành công trong văn học hay không. Một số người nói rằng những tác phẩm cuối cùng là kiệt tác duy nhất của ông, trong khi những người khác lại nói ngược lại. Tôi không thấy nhóm tác phẩm nào là cao cấp hay thấp kém: mỗi tác phẩm được hình thành khá khác nhau, mỗi tác phẩm tạo thành một bánh xe mà chúng tôi gọi là Akutagawa Ryūnosuke, và mỗi tác phẩm đều xứng đáng được đánh giá dựa trên giá trị của riêng nó. Nếu xét trên độ hoàn thiện văn học, các tác phẩm ban đầu có những chất lượng mà các tác phẩm thời kỳ sau không thể ao ước được. Nhưng trong một số tác phẩm cuối đời - đặc biệt là “Những bánh răng xoay vòng” (Spinning Gears) - sự nhạy bén trong tầm nhìn của nhân vật chính và phong cách thanh lịch thoải mái tạo nên sự tuyệt vời thực sự sởn cả gai ốc, và những hình ảnh tâm lý được chăm chút tỉ mỉ của chúng đạt được một hiện trạng hiện thực mạnh mẽ mà sẽ hằn sâu trong tâm lý của người đọc một quãng thời gian dài.

Tôi đọc “Những bánh răng xoay vòng” khi tôi mười lăm tuổi — khoảng bốn mươi năm trước. Đọc lại để viết phần giới thiệu này, tôi ngạc nhiên vì tôi vẫn nhớ lại nhiều hình ảnh của nó một cách sống động như thế nào. Chúng vẫn còn ở đó, trong tâm trí tôi, không chỉ là những bức tranh phẳng lì mà tất cả chúng hiện lên như những hiện thực ba chiều, hoàn chỉnh với sự điều chỉnh của ánh sáng chiếu vào khung cảnh và những âm thanh nhỏ vang lên theo diễn biến. Ngay cả khi mặc dù một đứa trẻ mười lăm tuổi sẽ có sự nhạy cảm đặc biệt với các tác phẩm nghệ thuật, tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể nói rằng những ký ức đó là thành phẩm của sức mạnh bẩm sinh của tác phẩm. “Những bánh răng xoay vòng” để lại cho chúng ta ấn tượng rằng chúng ta vừa đọc câu chuyện về một người đàn ông đã gọt dũa cuộc đời mình và sau đó lại tiếp tục gọt dũa nó cho đến khi anh ta cận kề nguy hiểm, và một khi anh ta chắc chắn rằng anh ta đã xẻo nó đến một giới hạn mà anh ta không thể đi xa hơn nữa, thì anh ta đã biến toàn bộ sự việc thành hư cấu. Đó là một màn trình diễn thật tuyệt vời. Trong tiếng Nhật có thành ngữ, "Hãy để kẻ thù xẻo thịt bạn để bạn có thể cắt xương của hắn." Đây chính xác là những gì Akutagawa đã đạt được trong “Những bánh răng xoay vòng”. Ở đây không còn bất kỳ dấu hiệu nào của kỹ thuật cho mục đích của kỹ thuật, và xu hướng phô trương sự thông minh và uyên bác của ông ấy cũng (ít nhất là) giảm đi đáng kể. Đó là những lý do tại sao, ngay cả khi tôi vẫn còn một số nghi ngờ nhỏ về mức độ chín mùi của nó, tôi đã xếp hạng rất cao cho tác phẩm xuất bản sau khi mất này của Akutagawa.

Đối với một người dễ bị tổn thương tâm lý như Akutagawa, viết những tác phẩm như vậy thật không lành mạnh. Ông ấy đã cố tình đi xa hết mức có thể dù trong gia đình có xu hướng mắc bệnh tâm thần. Mẹ ông đột nhiên mất trí chưa đầy tám tháng sau khi sinh ông, và ông được nuôi dưỡng bởi anh trai, em gái của mẹ và vợ của anh. Ông ấy đã trải qua cuộc đời với nỗi sợ hãi rằng bản thân ông ấy có thể phát điên bất cứ lúc nào, và việc duy trì sự ổn định về tinh thần của ông ấy rất phức tạp bởi những cuộc tiếp xúc không thường xuyên của ông ấy với cha mẹ đẻ của mình. Chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc chắn liệu chứng tâm thần mà ông phải chịu đựng sau này là do yếu tố di truyền tâm thần bất ổn, hay là do nỗi sợ hãi tiềm ẩn của ông gây nên, nhưng chứng bệnh về tâm trí đã phủ bóng nặng lên những câu chuyện sau này và cướp đi sinh mạng của chính ông. Chắc chắn sẽ không quá lời khi nói rằng việc viết những tác phẩm sau này này đã gây tác động làm rút ngắn tuổi thọ của ông, nhưng cũng đúng là ông không thể tìm ra cách tiếp tục sống như một nhà văn mà không viết những tác phẩm như thế này — và một khi ông không thể còn sống với tư cách là một nhà văn, cuộc sống của ông sẽ không còn ý nghĩa.

Rất có thể Akutagawa phải chuyển sang một thế giới của kể chuyện và của kỹ thuật để tìm nơi ẩn náu khỏi mối di truyền đen tối của mình. Thay vì đối mặt với thế giới thực, đầy khủng bố và đau đớn, ông ấy có thể đã vận chuyển tâm trí và thể xác của mình sang một thế giới khác với hy vọng tìm thấy một sự cứu rỗi từ sự hư cấu huyễn hoặc. Hoặc có lẽ trong sự dịch chuyển qua lại giữa hai thế giới như vậy, ông ấy hy vọng rằng bản thân có thể tìm lại những tia sáng rực rỡ sau cùng của cuộc đời. Tuy nhiên, cuối cùng, ông ấy buộc phải quay trở lại nơi xuất phát của mình - đến một thế giới bị thống trị bởi nỗi đau và nỗi sợ hãi, một thế giới đòi hỏi ông phải cô lập. Bởi vì, ở một góc độ nào đó, ông đã nhận ra một cách sâu sắc rằng ông phải hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình với tư cách là một nhà văn và một nhà trí thức hàng đầu trong thời đại của mình. Ông ấy xác định rằng ông không thể chỉ đậu mình ở một chỗ thoải mái như một loại phóng viên văn hóa.

Có lẽ lý do thực sự khiến truyện của Akutagawa Ryūnosuke tiếp tục được đọc và ngưỡng mộ mãi đến ngày nay như một “nhà văn quốc gia” nằm ở điều này - ở sự nhận thức và cương quyết, thứ đã đẩy ông vào ngõ cụt. Ông ấy khởi nghiệp là một trong số ít những người được chọn: một nhà trí thức Nhật Bản với ý thức bị giằng xé giữa phương Tây và văn hóa truyền thống của Nhật Bản, ở những bến bờ mà ông ấy đã thành công trong việc kiến lập một thế giới của những câu chuyện vô cùng trù phú và sống động. Khi trưởng thành, ông ấy cố gắng dung hợp hai nền văn hóa khác nhau bên trong mình ở một cấp độ cao hơn. Về mặt cấu trúc, ông đã cố gắng kết hợp phong cách đặc sắc của thể loại I-novel Nhật Bản với phương pháp hư cấu đầy tao nhã của riêng mình. Nói cách khác, ông hy vọng sẽ đi tiên phong cho một thể loại văn học nghiêm túc có nét độc đáo của Nhật Bản hơn. Nhưng điều này sẽ đòi hỏi một nỗ lực rất vất vả, và lâu dài mà một người có thần kinh quá nhạy cảm và thể chất ốm yếu như ông không thể duy trì. Theo đuổi bởi những viễn cảnh tăm tối, thứ trườn bò ra khỏi bóng tối u uất, cuối cùng ông ấy đã tuyệt vọng và kết thúc chính cuộc đời mình sớm hơn. Vụ tự sát khủng khiếp của Akutagawa đã gây ra một cú sốc lớn đến tinh thần của những người cùng thời với ông. Nó vừa báo hiệu sự thất bại của một thành viên thuộc tầng lớp trí thức, vừa là một bước ngoặt lớn của lịch sử.

Nhiều người Nhật Bản sẽ thấy chiến thắng trong cái chết của nhà văn này, chủ nghĩa duy mỹ, nỗi thống khổ, và sự sụp đổ không thể tránh khỏi của tầng lớp ưu tú được sùng bái của Thời kỳ Taishō. Tuyên bố thất bại của cá nhân ông cũng trở thành một dấu chỉ trên con đường lịch sử dẫn đến thảm kịch của Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thời kỳ trước và sau khi ông qua đời, bông hoa dân chủ đã nở rộ với những lời hứa hẹn như vậy trong Thời kỳ Taishō chỉ đơn giản là héo úa và lụi tàn. Chẳng bao lâu nữa tiếng ủng của quân đội sẽ vang dội khắp nơi. Nhà văn Akutagawa Ryūnosuke là sự hiện diện sáng chói trong lịch sử văn học Nhật Bản, một biểu tượng cho vinh quang ngắn ngủi và thất bại thầm lặng của thời đại ông. Akutagawa có để lại bài học gì cho các nhà văn đương đại của Nhật Bản (bao gồm cả tôi) không? Tất nhiên, ông ấy vừa là một nhà tiên phong vĩ đại, vừa là một ví dụ tiêu cực. Một điều ông ấy đã dạy chúng tôi là chúng tôi có thể lạc vào thế giới của kỹ xảo và nghệ thuật kể chuyện nhưng cuối cùng sẽ va chạm với một bức tường vững chắc. Có thể mượn những vật chứa cho những câu chuyện đầu tiên của chúng tôi, nhưng sớm muộn gì chúng tôi cũng phải biến những vật chứa đã vay mượn thành của mình. Thật không may cho Akutagawa (và nó thực sự là không may), ông ấy đã mất quá nhiều thời gian để thực hiện những thay đổi của mình, và điều đó có lẽ đã khiến ông ấy phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. Tuy nhiên, có lẽ, vì cuộc đời quá ngắn ngủi, không còn sự lựa chọn nào khác.

Bài học khác mà ông ấy dành cho chúng tôi liên quan đến cách chúng tôi kết hợp hai nền văn hóa phương Tây và Nhật Bản. Với nỗi đau đớn và đau khổ tột cùng, Akutagawa của “hiện đại” tự giác tìm kiếm danh tính của mình với tư cách là một nhà văn và với tư cách là một cá nhân trong cuộc xung đột của hai nền văn hóa, và đúng vào thời điểm ông ấy bắt đầu tìm thấy thứ, mà đối với ông ấy, một manh mối để hợp nhất cả hai, thì không ngờ ông ấy lại tự kết liễu cuộc đời mình. Đối với chúng tôi bây giờ, đây hoàn toàn không phải là vấn đề của người khác. Rất lâu sau thời của Akutagawa, chúng tôi vẫn (với một số điểm khác biệt) sống giữa sự xung đột của phương Tây và Nhật Bản, và đến bây giờ có lẽ chúng tôi gọi chúng là “toàn cầu” và “trong nước”. Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng đối với thời đại của Akutagawa hay của chính chúng tôi, chủ nghĩa chiết trung (1) nửa vời của đủ các thể loại “Tinh thần Nhật Bản, công nghệ phương Tây” không chỉ khá vô ích về lâu dài, mà còn hết sức nguy hiểm. Gia nhập hai hệ thống văn hóa thông qua một kỹ thuật khéo léo không bao giờ là một giải pháp tạm thời cho vấn đề. Cuối cùng, mối quan hệ chỉ tan vỡ. Akutagawa hoàn toàn nhận thức được mối nguy hiểm, và là một trí thức tiên tiến trong thời đại của mình, ông đã cố gắng khám phá ra điểm hợp nhất phù hợp với mình. Ông ấy đã áp dụng lập trường đúng đắn về vấn đề này, và khi chúng ta thoáng thấy nó trong những câu chuyện của ông ấy, nó vẫn còn vang danh đối với chúng ta ngay cả bây giờ.

(1) Chủ nghĩa chiết trung là cách tiếp cận khái niệm mà không tuân thủ theo một mẫu hình hoặc các giả định. Thay vào đó rút ra từ nhiều lý thuyết, phong cách, ý tưởng để đạt hiểu biết về một chủ đề, hoặc áp dụng các lý thuyết khác nhau vào những trường hợp cụ thể. (Nguồn Wikipedia)

Tất nhiên, điều chúng tôi phải hướng tới ngày nay không phải là một chốn dung thân tạm bợ với một nền văn hóa xa lạ, mà là một sự tham gia tích cực, thiết yếu và nhiều tương tác hơn. Sinh ra ở Nhật Bản, một đất nước có môi trường văn hóa đặc thù, chúng tôi được thừa hưởng ngôn ngữ và lịch sử của nó, và chúng tôi đang sống ở đây. Rõ ràng, chúng tôi không cần - và không thể - trở nên hoàn toàn Tây hóa hoặc toàn cầu hóa. Mặt khác, chúng tôi không bao giờ được cho phép mình sa vào chủ nghĩa dân tộc thiển cận. Đây là một bài học lớn, quy luật không thể linh hoạt, mà lịch sử đã dạy cho chúng tôi. Ngày nay, khi thế giới ngày càng nhỏ bé hơn thông qua sự phát triển ngoạn mục của Internet và dòng chảy trao đổi kinh tế ngày càng nhanh chóng, chúng tôi thấy mình ở trong một tình huống cấp bách, theo đó, dù muốn hay không, sự sống còn của chúng tôi phụ thuộc vào khả năng phương thức trao đổi văn hóa của chúng tôi trên cơ sở tương đương. Hướng tới lập trường độc quyền quốc gia, chủ nghĩa khu vực hoặc chủ nghĩa cơ yếu (2), trong đó các quốc gia trở nên cô lập về chính trị, kinh tế, văn hóa hoặc tôn giáo có thể gây ra những nguy hiểm không thể tưởng tượng trên quy mô toàn thế giới. Nếu chỉ theo nghĩa đó, chúng tôi, những tiểu thuyết gia và các cá nhân sáng tạo khác phải đồng thời truyền tải các thông điệp văn hóa của chúng tôi ra bên ngoài và phải là những người tiếp nhận linh hoạt những gì từ nước ngoài đến với chúng tôi. Ngay cả khi chúng tôi kiên định giữ gìn bản sắc riêng của mình, chúng tôi phải trao đổi cái có thể trao đổi và thông cảm cho cái có thể thông cảm được cho nhau. Vai trò của chúng tôi là hoàn toàn rõ ràng.

(2) Chủ nghĩa cơ yếu hoặc Phong trào nền tảng (tiếng Anh: fundamentalism) đề cập đến niềm tin nghiêm ngặt, trung thành tuyệt đối với những nguyên tắc cơ bản, trong thực tế thường nói đến tôn giáo, hoặc ý thức hệ chính trị. Nhìn rộng ra, chủ nghĩa cơ yếu thường chống lại những đổi mới để thích hợp với thời thế và đòi hỏi quay trở về nguồn gốc của một tôn giáo, hoặc ý thức hệ nào đó, nếu cần thì phải dùng những biện pháp cực đoan và một phần cũng không bao dung để đạt được mục đích. (Nguồn Wikipedia)
Chủ nghĩa khu vực (Regionalism): Trong quan hệ quốc tế, chủ nghĩa khu vực là sự thể hiện ý thức chung về bản sắc và mục đích kết hợp với việc tạo ra và thực hiện các thể chế thể hiện một bản sắc cụ thể và định hình hành động tập thể trong một khu vực địa lý. Chủ nghĩa khu vực là một trong ba thành phần của hệ thống thương mại quốc tế. (Nguồn https://mimirbook.com/vi/07b7874e76f)

Theo suy nghĩ của tôi, có vẻ như điểm xuất phát của tôi với tư cách là một tiểu thuyết gia có thể khá gần với cách mà Akutagawa cũng đã áp dụng. Giống như ông ấy, lúc đầu tôi nghiêng nhiều về hướng chủ nghĩa hiện đại, và tôi viết bán chủ ý trên quan điểm đối đầu trực diện với phong cách I-novel chính thống. Tôi cũng đã tìm cách tạo ra thế giới hư cấu của riêng mình với một phong cách tạm thời bác bỏ chủ nghĩa hiện thực. (Tuy nhiên, trái ngược với thời của Akutagawa, bây giờ chúng tôi có khái niệm hữu ích về chủ nghĩa hậu hiện đại.) Tôi cũng học được hầu hết kỹ thuật của mình từ tài liệu nước ngoài. Tuy nhiên, không giống như ông ấy, tôi về cơ bản là một người viết tiểu thuyết hơn là một nhà văn viết truyện ngắn, và sau một thời điểm nhất định, tôi đã tích cực xây dựng hệ thống kể chuyện nguyên bản của riêng mình. Tôi cũng sống một cuộc sống hoàn toàn khác. Tuy nhiên, về mặt cảm xúc, tôi vẫn tiếp tục bị thu hút bởi một số tác phẩm hay nhất mà Akutagawa đã để lại cho chúng tôi.

Để làm rõ, tôi không mô hình hóa thế giới hư cấu của mình giống ông ấy. Điều này không có nghĩa là một cách tiếp cận là đúng còn cách khác thì sai. Những so sánh đơn giản như vậy vừa bất khả thi, vừa vô nghĩa. Chúng tôi sống ở những thời đại khác nhau, tính cách của chúng tôi khác nhau, chúng tôi lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau và mục tiêu của chúng tôi (theo như tôi có thể nói) cũng khác nhau. Tất cả những gì tôi muốn nói là tôi - và có lẽ là hầu hết độc giả của Akutagawa - học được rất nhiều điều từ các tác phẩm của ông ấy và từ những dấu tích sống động trong cuộc đời ông ấy, và chúng tôi tiếp tục rút ra nhiều bài học hơn từ chúng khi càng bước tiếp trên đường đời của chính mình. Nói cách khác, Akutagawa Ryūnosuke vẫn sống và đảm nhiệm một vai trò trên thực tế như một “nhà văn quốc gia” của chúng tôi. Ông ấy sống như một điểm cố định bất di bất dịch trong văn học Nhật Bản, như một phần của nền tảng tri thức chung của chúng tôi.

Cuối cùng, tôi xin khen ngợi dịch giả đã nỗ lực cho ra cuốn sách này. Từ trong số vô số truyện ngắn của Akutagawa, anh ấy đã chọn một số kiệt tác không thể tranh cãi và một số tác phẩm ít thú vị hơn (hầu hết trong số đó chưa được dịch sang tiếng Anh trước đây), tập hợp chúng thành bốn bộ sưu tập, và dịch chúng với độ chính xác cao đồng thời truyền tải tinh thần của bản gốc. Điều này đã được thực hiện với mức độ tỉ mỉ đến từng chi tiết, thể hiện sự nhiệt thành đối với các tác phẩm của Akutagawa và vẫn đảm bảo quan điểm trong văn học. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng cuốn sách này sẽ tạo nên một nhận thức mới về Akutagawa tại nước ngoài.

Được viết bởi Murakami Haruki.




621 views0 comments

댓글


bottom of page