Phiên Ngoại về Mạc Khi
Bệnh viện tâm thần và thế giới thực - A Ninh Ninh
Edited by Nát Viết Nhảm
Chào mọi người, tên tôi là Mạc Khi.
Năm lên 19 tuổi, với tư cách là một học sinh xuất sắc được đặc cách của trường đại học, tôi không phụ sự kỳ vọng của chú Uông, được nhận vào học thạc sĩ khoa xã hội học. Mặc dù kỳ vọng ban đầu của chú Uông là hi vọng tôi giống như ông, trở thành giáo sư tâm lý học.
Nếu nói cho đúng thì Chú Uông là cha nuôi của tôi. Hồi lúc tôi 5 tuổi, tôi sinh sống tại một cô nhi viện ở Áp Bắc, về sau được chú Uông nhận nuôi. Trước khi tôi sống tại bệnh viện tâm thần Trường An, khoảng thời gian sinh sống trong cô nhi viện Áp Bắc là khoảng thời gian u ám nhất trong cuộc đời tôi, đương nhiên, tôi phải đặc biệt nhấn mạnh rằng 'Đó là trước khi tôi sống tại bệnh viện tâm thần Trường An.’
Mặc dù tôi được công chúng công nhận như một thiên tài, nhưng tôi cũng không phải thuộc dạng mọt sách như mọi người vẫn lầm tưởng. Trong đời của tôi, có ba người quan trọng nhất mà không có ai có thể so bằng, bọn họ có thể được định nghĩa qua ba danh từ: 'Thân tình', 'Hữu nghị' và 'Tình yêu'.
Danh từ ‘Thân tình’ tôi dành cho chú Uông, chú Uông tên đầy đủ là Uông Khải Thần, tốt nghiệp tại Đại Học Thanh Hoa, tiến sĩ ngành tâm lý học. Nghe chính ông kể rằng, hồi trước ông sống tại Bắc Kinh, đã từng làm việc ngay tại bệnh viện tâm thần Trường An, về sau bởi vì một số vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, ông rời khỏi bệnh viện tâm thần Trường An, còn ly hôn cùng vợ mình nữa.
Lúc chú Uông nhận nuôi tôi, tôi chỉ là cảm thấy rất hạnh phúc, bởi vì tôi rốt cuộc cũng có thể rời khỏi cái cô nhi viện không khác gì cái bãi rác kia. Rồi cho đến khi chú Uông nói với tôi về chuyện này, tôi mới bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Bởi vì dựa trên những nghiên cứu về xã hội học, nếu như một người bị giam cầm bên trong không gian ngột ngạt một quãng thời gian dài thì sẽ dẫn đến tình trạng chậm phát triển hơn so với tuổi tác. Mà sống trong bệnh viện tâm thần thì cũng giống như vậy, cứ ở ì trong bệnh viện tâm thần một khoảng thời gian dài thì trước sau gì cũng sẽ có những triệu chứng không bình thường.
Nhưng thời gian trôi qua, tôi có thể vạn phần xác nhận rằng chú Uông là một người có sức khỏe tâm thần cực kì bình thường. Ông đối xử với ai cũng rất tử tế hòa nhã, hầu như cách đối nhân xử thế của tôi cũng là được ảnh hướng phần lớn từ ông ấy. Tôi không rõ vì sao vợ chú lại li dị với chú chỉ vì ông ấy đến Thượng Hải, rõ ràng chú Uông là một người tốt như vậy. Nhưng cũng có rất nhiều điều mà trước khi mất, ông ấy chưa từng giải thích cho tôi.
Dưới sự chỉ dẫn và dạy dỗ của chú Uông, tôi rất may mắn thi đậu vào một trường tư nhân song ngữ khi còn học cấp Hai. Ở nơi đó, tôi đã gặp được người mà tôi định nghĩa bằng hai chữ 'Hữu nghị' - Daniel.
Chương trình học song ngữ trong trường rất căng, ngày bình thường mọi người cũng đều sẽ dùng tiếng Anh để nói chuyện. Hồi trước, khả năng tiếng Anh của tôi rất bình thường, cho nên để khỏi bị bại lộ nhược điểm này của mình, tôi cũng bắt đầu tránh nói chuyện. Mọi người xung quanh cứ tưởng tôi là người cực kì nhút nhát, thế nhưng tôi lại bị Daniel phát hiện, một lớp trưởng vô cùng hoạt bát và sáng sủa.
Tôi còn nhớ kỹ, vào ngày nhập học đầu tiên, Daniel liền khoe khoang bằng cách tự giới thiệu bằng ba ngôn ngữ khác nhau: tiếng Anh, Pháp, Đức. Về sau nghe nói, bố của Daniel là người Pháp, mẹ là người Mỹ, bà nội là người Đức, cái họ Montgomery này hình như là một dòng họ thuộc tầng lớp quý tộc của Pháp. Bởi vì cả gia đình thích Trung Quốc, cho nên mới đến Thượng Hải định cư.
Lúc ấy tôi khịt mũi khinh thường mấy cái loại quý tộc trời sinh như Daniel, đã là quý tộc thì còn chạy tới chỗ chúng tôi làm gì? Nhưng nói thật, lúc đó tôi chỉ cảm thấy lo sợ khi vị thế của một thiên tài từ nhỏ đến lớn như mình đã bị ánh hào quý tộc của Daniel che lấp.
Trong hai năm đầu, cho dù Daniel luôn chủ động thân thiện cùng tôi, nhưng tôi vẫn rất ít giao lưu cùng Daniel, mãi đến năm thứ ba, hai người chúng tôi cùng là học sinh xuất sắc nhất trong lớp nên đã được tuyển thẳng vào trường trung học tốt nhất tại Thượng Hải, lúc này chúng tôi mới bắt đầu thân quen hơn.
Sau khi lên cấp 3, quan hệ của hai người chúng tôi từ khách khí lại biến thành thân thiết. Do mỗi khi nói chuyện chúng tôi thường xuyên trộn lẫn mấy ngôn ngữ lại, cho nên mấy bạn học cùng lớp rất khó hòa nhập vào nhóm hai người chúng tôi, dần dà, trong mắt của mấy bạn học khác chúng tôi tựa như những vầng hào quang xa vời. Cũng kể từ lúc đấy, tôi mới ý thức được, tôi và Daniel là hai chàng thiếu niên ưa nhìn nhưng khác huyết thống.
Mà dựa theo kịch bản trong mấy cuốn tiểu thuyết thiếu nữ thì mấy chàng thiếu niên ưa nhìn như chúng tôi ắt hẳn phải có bạn gái. Daniel rất đồng ý với quan điểm này, thế là hai người chúng tôi đồng thời cùng thích hoa khôi của trường.
Về sau tôi đã gặp được 'Tình yêu' trong cuộc đời mình, tên của em là Nặc Nặc.
"Họ Nặc, tên cũng là Nặc."
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên khi tôi gặp em, em đã nói từng lời từng chữ như thế đấy. Mái tóc xuông dài hơi gợn sóng của em xõa ngang lưng, gương mặt thì xinh đẹp nho nhã cùng một nụ cười ngọt ngào luôn nở trên môi, cực kỳ giống với mấy cô người mẫu thời thượng trong tạp chí. Trái tim của tôi cũng rất dễ dàng mà trao cho em, và Daniel cũng thế.
Bởi vì tôi và Daniel cùng thích Nặc Nặc, cho nên cả hai cũng từng trải qua một quãng thời gian chiến tranh lạnh, rồi lại chiến tranh nóng, suýt nữa thì đánh nhau nữa ấy chứ. Cuối cùng cuộc chiến tranh chấm dứt khi Nặc Nặc chủ động tỏ tình với tôi. May mắn thay, Daniel vẫn coi tôi là bạn tốt, tuy nhiên từ đó về sau, cậu ta cũng trở thành một người bạn thân luôn ngấp nghé bạn gái tôi.
Về sau ngẫm lại, thật ra kiểu thiếu nữ tươi sáng hoạt bát như Nặc Nặc nên quen với Daniel thì mới thích hợp. Tính cách của tôi lại quá mức ôn hòa nhã nhặn, trên thực tế cũng có chút nhàm chán.
Tôi vẫn nhớ có một lần tôi hỏi Nặc Nặc vì sao lại chọn thích tôi mà không phải Daniel, em ấy còn trêu ghẹo tôi, "Bởi vì tiếng Anh của anh không tốt đấy!"
Nhưng về sau em ấy lại nghiêm túc nói cho tôi biết, đó là bởi vì tôi có thể trao cho em ấy một loại cảm xúc, thứ cảm xúc mang tên tình yêu. Trong nội tâm của tôi lúc ấy âm thầm vui vẻ, tôi cứ ngỡ rằng bản thân đã thật sự gặp được chân mệnh của đời mình, mãi cho đến một ngày, em ấy đột nhiên thốt lên lời chia tay với tôi.
Em ấy nói em ấy phải ra ngoại quốc, bởi vì tiếng Anh không tốt, cho nên người trong nhà hi vọng em ấy ra nước ngoài luyện ngôn ngữ cho tốt hơn. Mãi cho đến giờ phút này, tôi mới thực sự hiểu rõ cái khái niệm gọi là 'Tính thống nhất của các sự vật tương phản'. Có lẽ nguyên nhân mà lúc trước em ấy chọn tôi cũng có thể vì em ấy sắp phải rời xa nơi đây.
Cứ như vậy, mối tình ba năm cho đến năm nhất đại học của tôi cũng kết thúc trong sự ra đi của Nặc Nặc. Tôi và Daniel cùng đi uống rượu vào cái đêm mà Nặc nặc ra nước ngoài, vốn chỉ là mượn rượu giải sầu, kết quả thế mà Daniel lại uống say như chết. Nhưng cũng nhờ thế, tôi cuối cùng mới nhận ra là bản thân mình cũng không thích Nặc Nặc cho lắm.
Em ấy là người mà tôi có thể tùy tâm tùy ý buông bỏ, nhưng Daniel lại không như thế. Nghĩ tới đây, tôi cảm thấy mình thực sự có lỗi với Daniel.
Quãng thời gian học đại học cứ bình đạm chậm rãi mà trôi qua, tôi không tiếp tục đi tìm bạn gái, Daniel cũng không có. Tôi đem tinh lực của mình tập trung trong việc học tập, năm thứ hai đại học tôi đã thi đậu vào chương trình thạc sĩ khoa xã hội học. Daniel và tôi học cùng một ngành, khi tôi học thạc sĩ thì được nhận vào học tiến sĩ.
Tôi phớt lờ những áp lực cạnh tranh mà Daniel mang đến cho tôi, giả bộ như như không có chuyện gì, tôi về nhà khoe khoang thành tích của tôi cùng chú Uông, thế nhưng tôi lại biết được tin chú Uông bị ung thư gan.
Trong mấy ngày chú Uông đang hấp hối, ban đầu chú cũng không có nói chuyện với tôi. Mãi cho đến ngày cuối cùng, chú đột nhiên dặn tôi đến bên cạnh ông ấy. Và thế là tôi đã nghe được nguyên nhân thực sự khiến ông ấy phải rời khỏi bệnh viện tâm thần Trường An.
Nếu như không phải bởi vì chú Uông sắp qua đời, tôi thật sự cảm thấy có lẽ một người nghiêm túc như chú Uông đang đùa giỡn với tôi. Bởi vì cái câu chuyện mà chú kể cho tôi nghe, nói thật, nó quá phi lý.
Chú nói thời điểm chú còn làm bác sĩ trong bệnh viện tâm thần Trường An, chú đã từng yêu một bệnh nhân của mình.
Bệnh nhân đó tên là 087, chỉ một cái số hiệu. Chú nói 087 rất đáng thương, lúc trước cha mẹ còn không đặt tên cho cô, cũng bởi vì hoảng sợ nên vứt cô trong bệnh viện tâm thần. Lần đầu tiên vào lúc chú gặp cô, cô chỉ mới có mười tuổi, nhưng khi đấy chú đã 25, cũng vừa mới kết hôn, người đó chính là một đồng nghiệp làm chung của chú, y tá Ngưu Lang. Đúng đấy, chính là y tá Ngưu.
Ban đầu chú chỉ xem 087 như một đứa bé đáng thương, đối xử cực kì tốt với cô. Nhưng sau 5-6 năm trị liệu, chú phát hiện ra rằng 087 không mắc bất kỳ chứng hoang tưởng nào. Cô ấy vừa có trí tưởng tượng phong phú, mặt khác, theo cách nói của người xưa, cô ấy là đứa trẻ có thiên nhãn.
087 có thể trông thấy những thứ mà người khác không thấy, như quỷ hồn, thiên sứ, ác ma, tương lai, và ngay cả những thứ xa vời so với thế giới chúng ta, như linh hồn của cây cối, ngôn ngữ của động vật, những thứ thần bí mà khoa học cũng không cách nào giải thích được, tất cả những thứ đó cô đều nhìn thấy.
Ngay từ đầu chú Uông cũng không tin, chỉ phỏng đoán đó là chứng bệnh của 087, thế nhưng mãi cho đến có một ngày, 087 nói cho ông biết, trên đường về nhà ông ấy sẽ gặp phải một con mèo, con mèo đấy đó có bộ lông lấm tấm vàng, nó đã từng là bạn tốt của ông, và nó tới tìm chú Uông là để giúp ông xua đuổi vận rủi.
Chú Uông bán tín bán nghi, thế nhưng vào lúc ban đêm khi đi về nhà, quả nhiên là ông ấy nhìn thấy một con mèo có bộ lông lấm tấm vàng. Ông ấy sửng sốt, đứng trước mặt con mèo một lúc lâu thì đột nhiên ông ấy thấy một lọ hoa rơi xuống chỗ cách mình nửa thước.
Về sau chú Uông cũng cực kì hứng thú với mấy suy nghĩ rất khác thường của 087, mỗi khi đến chiều chỉ cần dư dả thời gian, ông ấy sẽ gọi 087 vào phòng làm việc. Ông bàn luận với 087 về những suy nghĩ trong đầu cô, lúc ấy cô như đóa hoa hoa bách hợp mỗi ngày hé nở trong lòng ông, từng cái chau mày từng nụ cười của cô ấy thanh lệ đê mê đến nỗi khiến ông ấy cứ mãi nhớ nhung, cả quãng thời gian dậy thì rồi trưởng thành của cô thiếu nữ năm ấy đã khắc sâu trong lòng ông. Thậm chí cái hình ảnh mà ông ấy nhớ thương nhất, đó là mỗi khi cô nằm sấp trên mặt bàn trong phòng làm việc, ánh mắt cô lơ đãng nhìn trần nhà toát lên vẻ muộn phiền, "Nhật Bản có cây hoa anh đào rực rỡ như nhuộm máu, còn ở Pháp thì có những cây long não như dát vàng, em đều biết hết đấy, không phải tưởng tượng đâu, chúng đều có thật mà."
Từ nhỏ 087 đã lớn lên trong bệnh viện tâm thần, làm sao có thể biết cây hoa anh đào của Nhật Bản hay cây long não của nước Pháp được chứ? Những cảnh vật tươi đẹp như thế cứ xuất hiện trong đầu 087, rồi cuối cùng chúng khiến chú Uông đắm say tự lúc nào cũng chẳng hay.
Chú ấy không khỏi đối xử tốt với 087, giống như nuôi nấng con ruột của mình vậy, vì 087, chú ấy còn cố gắng xây một thư viện dưới tầng hầm, dạy cho 087 tất cả mọi thứ mà một người bình thường vẫn hay học. Còn cô thiếu nữ xinh xắn diễm lệ 087, dưới sự dạy dỗ chăm sóc của chú Uông thì đã trở thành đóa hoa hồng thơm ngào ngạt, càng ngày càng yêu kiều mỹ lệ.
Nhưng càng xinh đẹp bao nhiêu thì tai họa xảy ra càng lớn bấy nhiêu, chú Uông về sau đã nhận ra bản thân mình yêu 087 đến nỗi không còn cách nào quay đầu lại. Rồi tình cờ một ngày, ông rốt cuộc cũng không chịu nổi sự cắn rứt của lương tâm, nên quyết định rời khỏi bệnh viện tâm thần. Ông ấy không nói cho vợ mình là y tá Ngưu biết, cứ như vậy không từ mà biệt. Mà vào ngày đó, vừa vặn lại là Tết Thanh Minh.
Thanh minh thời tiết vũ phân phân, lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn. (1)
(1) Hai câu trong bài thơ “Thanh Minh” của Đỗ Mục, dịch nôm na là “Mưa sa ngập lối tiết Thanh minh / Nặng bước người đi chợt buốt hồn.” (Source: Facebook)
Về sau, ông ấy gọi điện cho một đồng nghiệp làm trong bệnh viện tâm thần, nghe nói 087 cùng tên Lộ Diêu có một đứa bé. Cho nên ngay vào ngày hôm đó, ông ấy chạy tới cô nhi viện Áp Bắc nhận nuôi tôi. Nhiều năm trôi qua như thế, nhưng tôi không hề hay biết bản thân mình ngay từ đầu chỉ mang thân phận thế thân cho một đứa bé khác mà thôi. Nhưng cũng nhờ chú Uông nuôi dưỡng nên tôi mới được tận hưởng trọn vẹn thế giới này, và tôi cũng được nếm trải thứ tình cảm mỹ mãn này. Còn ở một góc khác trên thế gian, có một đứa bé khác ngay từ nhỏ đã phải sống trong cái bệnh viện tâm thần gớm ghiếc như thế.
Trước khi lâm chung, chú Uông rất hối hận vì những năm tháng qua, chú nói nếu như có thể, chú ấy hi vọng đứa bé kia có một cuộc sống của người bình thường, không cần phải quá giàu có sung túc, chỉ cần bình an sống qua ngày. Còn tôi, cũng là vì nguyện vọng cuối đời của chú Uông, nên mới quyết định đi vào bệnh viện tâm thần Trường An.
Comments